Thứ trưởng Trần Xuân Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc

PV.

(Tài chính) Ngày Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác do ông Kyungho Choo, Phó Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) dẫn đầu tới thăm và làm việc tại trụ sở Bộ Tài chính. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện một số đơn vị chức năng Bộ Tài chính cùng các cán bộ của FSC và Đại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thứ trưởng Trần Xuân Hà hoan nghênh đoàn công tác do ông Kyungho Choo, Phó Chủ tịch FSC dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính Việt Nam. Thứ trưởng đã thông tin cho đoàn về tình hình kinh tế năm 2012 của Việt Nam và định hướng phát triển năm 2013 tập trung vào một số trọng tâm về tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), tái cơ cấu ngân hàng (Đề án xử lý nợ xấu), tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm. 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng khẳng định, thị trường tài chính Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tiềm năng còn rất lớn. Chính phủ chủ trương phát triển thị trường tài chính để tạo kênh huy động vốn, nhưng đồng thời cũng phải xây dựng các công cụ quản lý giúp thị trường phát triển ổn định, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường tài chính (hệ thống Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán). Vì vậy, sự hỗ trợ, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm của các cơ quan giám sát, quản lý tài chính của Hàn Quốc là rất cần thiết. 

Một số thông tin về việc các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, trong đó "điểm sáng" là khối sản xuất kinh doanh và tài chính bảo hiểm cũng được Thứ trưởng chia sẻ với Phó Chủ tịch và đoàn công tác. Trước tình hình một số công ty chứng khoán có bốn tham gia của Hàn Quốc hoạt động chưa thực sự hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị hai bên cần phối hợp tăng cường quản lý giám sát khu vực tài chính để tạo ra một thị trường phát triển lành mạnh góp phần phát triển kinh tế.

Ông Kyungho Choo, Phó Chủ tịch FSC chúc mừng những thành quả kinh tế năm 2012 của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Hàn Quốc luôn quan tâm đặc biệt tới Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tài chính cũng như luôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm mọi mặt với Việt Nam.

Lãnh đạo FSC cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm đạt được mức tăng trưởng cao. Với vai trò của FSC, Phó Chủ tịch FSC Kyungho Choo khẳng định, Uỷ ban sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam nhằm tạo ra lợi ích dài hạn; Uỷ Ban sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm bằng nhiều hình thức. Phó Chủ tịch FSC Kyungho Choo mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai cơ quan được nâng lên một tầm cao mới.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, Thứ trưởng nêu rõ, hai bên đã có biên bản hợp tác từ năm 2002 và sẽ tiếp tục thực hiện rà soát lại nội dung của bản thỏa thuận và sửa đổi nếu thấy cần thiết. Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tái cấu trúc thị trường và đào tạo nâng cao năng lực thanh tra giám sát cho đội ngũ cán bộ quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, học hỏi xây dựng hệ thống giao dịch, kinh nghiệm tái cơ cấu Sở giao dịch chứng khoán, trao đổi kinh nghiệm quản lý quỹ, nghiên cứu các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí… Về việc thành lập văn phòng đại diện của Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) tại Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để  hoàn tất dự thảo Thỏa thuận để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà bày tỏ vui mừng được Phó Chủ tịch chia sẻ thông tin và đánh giá, nhận định khả quan về nền kinh tế Việt Nam. Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam luôn coi trọng đối tác Hàn Quốc trong tiến trình phát triển kinh tế. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn hai bên sẽ chia sẻ thông tin kịp thời nhằm tăng cường hiệu quả công tác. Sắp tới, hai bên cần phối hợp nghiên cứu vấn đề lớn mang tầm khu vực để có tiếng nói trong khối ASEAN và ASEAN+3; đánh giá tình hình thực trạng tài chính trong khối ASEAN và ASEAN+3, đánh giá; đánh giá định hướng luồng di chuyển tiền tệ trong khối này nhằm tìm giải pháp chung cho toàn khối và cho từng nền kinh tế.