“Thủ tục hành chính thuế, hải quan có nhiều tiến bộ”

Theo mof.gov.vn

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước diễn đàn Quốc hội. Theo Phó Thủ tướng: “Môi trường kinh doanh nước ta có tiến bộ hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng v.v...”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước diễn đàn Quốc hội. Nguồn: mof.gov.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước diễn đàn Quốc hội. Nguồn: mof.gov.vn

Đánh giá câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đoàn Lâm Đồng, về cải cách hành chính giữa lý thuyết và thực tế cũng còn những khoảng cách, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “câu hỏi này rất xác đáng”.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng quan cải cách hành chính như thể chế pháp luật, bộ máy cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tài chính công… trong thời gian qua đều có bước tiến bộ rất quan trọng và khá đồng bộ. Thể hiện trước hết đó là sự công khai, minh bạch tốt hơn, sát dân hơn, gần dân hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn, kể cả bộ máy và pháp luật, v.v...

“Môi trường kinh doanh nước ta có tiến bộ hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng v.v... như đồng chí Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội, tôi không nói lại”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định như vậy trước Quốc hội.

Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng: “Đúng là giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn có khoảng cách, cũng còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Vậy biện pháp nào để giữa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội chúng ta trong cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp đổi mới tốt hơn, đó là phải việc tiến hành đồng bộ các giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã nêu”.

Trong đó, Chính phủ tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về biên chế, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế, về cơ cấu lại đội ngũ công chức trên tinh thần giảm hai được lấy một. Từ năm đến năm 2021 phải giảm trong số biên chế hành chính 10%, trong số biên chế sự nghiệp 10% cộng thêm 10% không hưởng lương ngân sách.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế năm 2015 trong tất cả đơn vị hành chính và đơn vị công lập, tính đến ngày 30/10/2015 đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giảm biên chế năm năm 2015 với số lượng trên 3.300 người, trong đó 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay. Hiện nay, một số tỉnh, một số thành phố lớn đã đưa ra phương án giảm biên chế của địa phương mình.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, số viên chức này rất lớn, trên 2 triệu người và chiếm trên 38% tổng quỹ lương.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa công khai, minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế.

Thứ năm, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện Chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền, thí điểm để tiến tới triển khai xây dựng các trung tâm hành chính công thay cho một cửa, một cửa liên thông, để giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước công khai, minh bạch được sự giám sát một cửa, tại chỗ và thuận lợi hơn nữa cho người dân. Đặc biệt cần phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ, công chức.

“Chúng ta phải đưa ta khỏi bộ máy của chúng ta những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, với doanh nghiệp. Luân chuyển, giám sát cán bộ ở một số lĩnh vực mà ta hay nói là "nhạy cảm". Tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong quá trình cán bộ, công chức phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân, doanh nghiệp, nhất là các tổ chức, hiệp hội, các đại biểu dân cử có những phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc để giải quyết thủ tục và các vấn đề có liên quan.

Bởi theo Phó Thủ tướng, giải quyết những giải pháp đồng bộ như vậy sắp tới, chúng ta phấn đấu thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực bằng mức ASEAN 4 như Thủ tướng đã công bố, mục tiêu này đang triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước.

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, năm 2015 chúng ta sẽ đạt cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực bằng với mức ASEAN 6. Theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, năm 2016 sẽ đạt mức tương đương với các nước ASEAN 4.

Được biết, Bộ Tài chính đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiến hành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế, tiếp tục triển khai phối hợp để thí điểm kết nối thông tin với cơ quan tài nguyên môi trường; tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế, Hải quan để truy cập dữ liệu nhằm tăng cường kiểm soát hoàn thuế, tiến tới thực hiện hoàn thuế điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan...

Tính đến 26/10, 98% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng internet và 90,05% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử (kết nối liên thông với các ngân hàng thương mại. Trong lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành rà soát và bước đầu thực hiện đơn giản hóa một số hồ sơ khai điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 dự án VNACCS/VCIS; xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro của Hệ thống VNACCS/VCIS để phục vụ kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu...

Trong thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan sẽ tiếp tục được triển khai tích cực với trọng tâm là lĩnh vực thuế điện tử, nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đầu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu (số doanh nghiệp; số chứng từ nộp thuế; số tiền thuế thu được). Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế…