Thủ tướng Chính phủ giải đáp nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

PV.

Sáng ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn giải trình và trả lời chất vấn về nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Chính phủ giải đáp nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ giải đáp nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Nguồn: internet

Cơ cấu lại ngân sách và nợ công

Giải trình về vấn đề nợ công, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, được nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ; kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản; tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn, giảm thiểu rủi ro…

Cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường

Trước tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa đạt được như mong muốn, số lượng DNNN đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ vốn bán ra mới đạt khoảng 8%, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thoái hết vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không cần nắm giữ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý; tập trung nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DNNN.

Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện, trước mắt là những đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; sớm thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng cho biết, về quản lý DNNN, Chính phủ đang xây dựng dự án để quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh công khai minh bạch... “Tuy nhiên, không cổ phần hóa bất cứ giá nào, Nhà nước phải nắm giữ những ngân hàng thương mại lớn, vấn đề phân phối điện...” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải pháp đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh

Tại phiên giải trình, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tăng 9 bậc về cải thiện môi trường kinh doanh này. Đây là sự cố gắng ngay từ đầu năm của Chính phủ khi tổ chức hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và một loạt các giải pháp đồng bộ được triển khai thực hiện.

Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, thuế, năng lượng, thủ tục đầu tư, đăng ký quyền tài sản, khởi nghiệp, nộp thuế, giải quyết phá sản, hải quan...

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Đảng và Nhà nước đặt ra vấn đề độc lập tự chủ kinh tế. Đó là không phụ thuộc vào thị trường và đối tác, năng lượng, lương thực phải đảm bảo...

Để làm được điều này, trước hết cần tập trung phát triển các thế mạnh của Việt Nam như công nghệ thông tin, du lịch, mở rộng thị trường... Đồng thời, kiện toàn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển các sản phẩm chủ lực; phát triển các tập đoàn kinh tế lớn... trên tinh thần hội nhập sâu rộng, không để thua trên sân nhà.

Thủ tướng khẳng định, các thành viên Chính phủ đương nhiệm quyết tâm xây dựng một Chính phủ đoàn kết, thống nhất, hoạt động công khai, minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.