Thừa Thiên - Huế: Nhiều khoản thu giảm so với cùng kỳ

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Với diễn biến này, qua 4 tháng đầu năm, Cục Thuế Thừa Thiên - Huế mới thu được 1.172,5 tỷ đồng, đạt 32,5% dự toán, hoàn thành 31,1% nhiệm vụ thu theo Nghị quyết HĐND Tỉnh giao và bằng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thuế Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến từng nguồn thu. Nguồn: internet
Cục Thuế Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến từng nguồn thu. Nguồn: internet
Do chưa thể vực dậy hoàn toàn trước những khó khăn về thị trường, tiêu thụ và giải phóng hàng tồn kho nên hầu hết các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa ổn định được tình hình hoạt động, vì thế tiến độ thu nộp ngân sách cũng sụt giảm lớn. Điển hình là ở khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, do các tên tuổi chủ lực là Công ty bia Huế (chiếm tỷ trọng gần 90% tổng thu của khu vực đầu tư ngước ngoài) sản lượng tiêu thụ giảm 50%, số nộp ngân sách giảm 31%; Công ty thực phẩm Huế và Công ty khách sạn Kinh Thành nộp ngân sách giảm tương ứng 18% và 29% nên qua 4 tháng, toàn khu vực chỉ thu được 452,4 tỷ đồng, đạt 30,86% dự toán, bằng 76,3% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến huy động nguồn lực từ khu vực DNNN địa phương chẳng khá hơn khi tổng số động viên sau 4 tháng mới được 76,6 tỷ đồng, bằng 32% dự toán và 81% so với cùng kỳ mà nguyên nhân sụt giảm cũng là do một số DN trọng điểm có số nộp giảm, như: Công ty khoáng sản giảm 3%, Công ty xây lắp giảm 42%, Công ty Sài gòn Morin giảm 22%... Ngoài ra khu vực kinh tế này do chủ yếu là các DN có quy mô nhỏ, còn chịu tác động khá lớn của suy thoái kinh tế, nên mặc dù các chủ thể đã có nhiều cố gắng song tình hình sản xuất kinh doanh vẫn chưa thể duy trì và ổn định trở lại.
 
Cùng chung số phận là những DN nhỏ, khả năng phát triển và năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế nên nhìn chung sự tăng trưởng của các DN ngoài quốc doanh trên địa bàn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu tăng thu. Hệ quả tất yếu là số thu từ khu vực DN dân doanh sau 4 tháng mới được 259 tỷ đồng, đạt 36% dự toán và bằng 88% so với cùng kỳ 2013.
 
Nỗi ám ảnh thị trường cũng chính là nguyên nhân khiến tiến độ đấu giá đất trên địa bàn những tháng đầu năm chậm, thu ngân sách hầu như không phát sinh, do đó sau khi cộng cả các khoản tiền đấu giá quyền sử dụng đất cuối năm 2013 của các huyện, thị xã chuyển sang thì tổng thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh mới chỉ được 106 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán và bằng 59% so với cùng kỳ. 
 
Khoản thuế Thu nhập cá nhân do chính sách điều tiết thay đổi theo hướng giảm nghĩa vụ đóng góp nên việc giảm thu so với cùng kỳ đã được tiên lượng trước, vì thế hết 4 tháng, khoản này cũng chỉ thu được 58,5 tỷ đồng, đạt 53% dự toán và bằng 69% so với cùng kỳ. 
 
Trong số các thành phần kinh tế trên địa bàn, duy nhất chỉ có các DNNN trung ương duy trì được nhịp độ tăng trưởng, cá biệt một số DN trọng điểm còn có số nộp ngân sách tăng như Nhà máy thủy điện A Lưới, Công ty cổ phần dệt may Huế, Viễn thông Thừa Thiên - Huế, Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên... nên tổng số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của khu vực này 4 tháng được 60,8 tỷ đồng, đạt 40,5% dự toán và bằng 100% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 2 khoản thu là tiền thuê đất và thu khác ngân sách cũng được ghi nhận tăng cao do một số đơn vị nộp tiền nợ đọng của những năm trước và do có khoản thu phạt về an toàn giao thông. Nhưng dù có thế thì tương quan lực lượng vẫn nghiêng về phía những khoản giảm thu, chưa kể đây lại là những khoản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách của Tỉnh nên chẳng có gì lạ khi hết 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do ngành thuế thực hiện mới được 1.172,5 tỷ đồng, đạt 32,5% dự toán, 31,1% nhiệm vụ thu theo Nghị quyết HĐND Tỉnh giao và chỉ bằng 80% so cùng kỳ năm trước.
 
Kết quả này đang đặt ra thách thức rất to lớn đối với Cục Thuế Thừa Thiên - Huế, nhất là tới đây sức ép cạnh tranh với ngành sản xuất bia - ngành kinh tế chủ lực của Tỉnh sẽ càng gay gắt. Đối diện với khó khăn chồng chất, lãnh đạo Cục Thuế cho biết, không có con đường nào khác là phải tăng cường tần suất, nâng cao chất lượng các giải pháp quản lý nhằm phấn đấu tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu.
 
Cụ thể, Cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến từng nguồn thu, làm rõ những khoản thu còn thất thoát, các nguồn thu còn tiềm năng để đề ra giải pháp cụ thể kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp thực hiện nhằm khai thác tăng thu, tăng cường quản lý chống thất thu. Cùng lúc, các phòng quản lý, chi cục thuế tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai từ các đơn vị xây dựng cơ bản ngoại tỉnh; phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan quản lý tốt các khoản thu về đất, phí, lệ phí và thu khác ngân sách; rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, nhất là các nguồn thu tại xã, phường để đưa vào quản lý thu theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp tiến hành phân tích, đánh giá rõ thực chất của từng khoản nợ đọng thuế để có biện pháp đôn đốc kịp thời; đồng thời tăng cường theo dõi sát tình hình kê khai, nộp thuế của các đối tượng nợ thuế để kịp thời có biện pháp đôn đốc, hạn chế phát sinh nợ mới.
 
Trong khi chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các đối tượng có rủi ro thất thu cao (DN khai thác tài nguyên khoáng sản; thuế nhà thầu; các dự án phát triển đô thị, nhà ở; DN có hoàn thuế lớn; có giao dịch liên kết...), Cục Thuế Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, dưới nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật thuế của các tổ chức, cá nhân.

 Quan trọng hơn là thông qua các phương thức tiếp cận nhu cầu của người nộp thuế, cơ quan thuế phải nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cơ sở kinh doanh để vừa hỗ trợ các DN thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN, vừa góp phần khơi thông những điểm còn ách tắc gây ảnh hưởng đến tiến độ công tác động viên nguồn lực trên địa bàn.