Thực hiện Nghị quyết 19: Xã hội hóa dịch vụ công không đi với thương mại hóa

Theo Thành Chung/chinhphu.vn

“Thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ Thành Chung

Chiều 29/11, GS.,TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu, phân tích Nghị quyết về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL” tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khoá XII của Đảng.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống ĐVSNCL của Việt Nam đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động của ĐVSNCL gắn với hệ thống hành chính, doanh nghiệp, đoàn thể nên còn nặng tính bao cấp, “tâm lý trông chờ vào Ngân sách và Nhà nước còn phổ biến”, Phó Thủ tướng đánh giá, đặc biệt là chất lượng dịch vụ công còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của xã hội. Không những thế, tình trạng tham ô, lãng phí trong các ĐVSNCL không phải là ít.

Cụ thể, hiện cả nước có 57.995 ĐVSNCL với tổng biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% tổng số biên chế. Chi lương cho các ĐVSNCL chiếm tới gần 40% tổng quỹ lương của Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 12.968 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do Ngân sách Nhà nước bảo đảm hoàn toàn hoạt động.

Với đòi hỏi của nhu cầu cuộc sống và việc Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết số 19, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ĐVSNCL đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách - phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền”.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là tới năm 2021: Giảm tối thiểu 10% số đơn vị so với năm 2015 (tương ứng giảm 5.800 đơn vị); giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 (khoảng 240.000 biên chế); cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định; bảo đảm 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm 10% chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước so với giai đoạn 2011-2015. Cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị đủ điều kiện thành công ty cổ phần; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp đối với một số lĩnh vực cơ bản.

Ngoài ra Nghị quyết cũng tiếp tục đặt các mục tiêu cho tới các năm 2025 và năm 2030 với các chỉ tiêu, lộ trình rõ ràng.

Không phải cắt xén đầu mối mà là đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 19 không phải cắt xén đầu mối mà mục đích cao nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công; xã hội hoá dịch vụ công không đi với thương mại hoá dịch vụ công, nhất là đối với giáo dục và y tế.

“Đặc biệt, mục tiêu của Nghị quyết là giảm các đầu mối ĐVSNCL và giảm biên chế hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động chứ không phải cắt giảm biên chế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định cùng với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy Nhà nước thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công cắt giảm các đầu mối, biên chế hưởng lương Ngân sách Nhà nước như Nghị quyết số 19 nêu ra.

Theo đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, bảo đảm tuân thủ 5 nguyên tắc sau: Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các ĐVSNCL; trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả;  Đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Nghị quyết cũng nêu các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề… Theo đó, trong lĩnh vực dạy nghề, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện. “Mỗi huyện thực hiện thì cả nước sẽ giảm được hơn 1.400 đầu mối”.

Tương tự là việc sắp xếp các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện tuyến huyện, phòng y tế đa chức năng… Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế xã. Sáp nhập các trung tâm thuộc sở văn hoá, thể thao và du lịch có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành một đầu mối…

Về nâng cao chất lượng các ĐVSNCL, Nghị quyết cũng nêu rõ không thực hiện chế độ công chức trong ĐVSNCL; đánh giá, phân loại để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng, giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng việc thực hiện Nghị quyết số 19 sẽ thành công khi một vài năm qua, nhiều tỉnh, địa phương đã thực hiện sắp xếp các đầu mối ĐVSNCL mà không phải đợi Trung ương ra Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Trên thực tế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và nhất là Hà Nội mới chỉ sắp xếp, thu gọn các đầu mối ĐVSNCL trong một số lĩnh vực, biên chế chưa giảm được một người nào nhưng chi thường xuyên đã giảm được 4,85%/năm trong các năm 2015, 2016. Chưa kể Thành phố cũng thu lại được hàng nghìn ha đất đai để khai thác, phục vụ tái đầu tư cho xã hội, trong đó có dịch vụ công.

Phó Thủ tướng cũng cho biết qua khảo sát, Hà Nội có kinh nghiệm sắp xếp 5 ĐVSNCL có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành 1 đơn vị thì lựa chọn một cấp trưởng điều hành thôi, 4 giám đốc ĐVSNCL còn lại vẫn nhận chế độ cấp trưởng nhưng không điều hành.

“Bước vào triển khai Nghị quyết, tôi tin hai thành phố lớn có thể giảm tới 20% số ĐVSNCL”, Phó Thủ tướng bày tỏ.