Thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật - kỷ cương ngân sách

PV thực hiện

Luật Ngân sách năm 2015 đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương; đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Do vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách phụ thuộc vào việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật - kỷ cương ngân sách - Ảnh 1
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính)

Phóng viên: Bộ Tài chính sẽ chú trọng những giải pháp như thế nào để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách hiện nay, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các luật: Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…, đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có những quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định rõ hơn về thẩm quyền điều chỉnh dự toán, công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng.

Trong tổ chức thực hiện, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chi NSNN chặt chẽ theo phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng đã được tăng cường, Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách phải gắn liền với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các lĩnh vực có liên quan, như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng....

Trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau để tăng cường kỷ cương, kỷ luật NSNN. Cụ thể:

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ chi NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách và tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền; công khai, minh bạch hoạt động tài chính – NSNN; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường giám sát của cộng đồng.

Bên cạnh nỗ lực tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách của ngành Tài chính thì theo ông, cần sự phối hợp của các bộ ngành khác như thế nào, thưa ông?

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính - NSNN, những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Chính trị, Quốc hội đặt yêu cầu cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, giao các ngành các cấp thực hiện thể hiện ở 3 điểm: Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế; Điều hành, tổ chức thực hiện; và công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trên cơ sở dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách...

Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các điều kiện chi; các hành vi bị cấm...; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ, thực hiện; vấn đề thanh tra, kiểm toán...vừa tạo thuận tiện nhưng đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, mà còn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản..., bởi thực tế cho thấy những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN như kết quả thanh tra, kiểm toán đã nêu ra.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tăng cường công khai, minh bạch ngân sách, tăng cường sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả ngân sách cũng như siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách?

Như tôi đã nói, Luật NSNN năm 2015 bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về công khai ngân sách theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng công khai; công khai gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình, phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ nhất, nội dung công khai chi tiết hơn giúp cho người dân có thể theo dõi giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách chế độ, trình dự toán ngân sách, thực hiện, quyết  toán ngân sách, cũng kiểm toán và việc thực hiện các khiến nghị của kiểm toán.

Công khai từ khâu xây dựng ban hành cơ chế chính sách thu, chi ngân sách tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý kiến; qua đó, giúp cho các cơ quan xây dựng chính sách tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2018 dự toán NSNN khi trình Quốc hội, HĐND các cấp (đề xuất dự toán) được công khai để cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào quá trình xây dựng NSNN. Việc công khai tình hình thực hiện NSNN trong năm (quý, 6 tháng, năm) cũng giúp cho việc theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách.

Thứ hai, hình thức công khai được quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó yêu cầu bắt buộc phải công khai trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Sở Tài chính để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.

Đối với các đợn vị sử dụng NSNN và các đơn vị được NSNN hỗ trợ: Lựa chọn 1 hoặc một số hình thức công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Luật NSNN, gồm: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở, phát hành ấn phẩm, đưa lên trang điện tử, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, về tăng cường giám sát ngân sách của cộng đồng: Cùng với việc tăng cường công khai NSNN, Luật NSNN năm 2015 bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng và giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức giám sát NSNN.

Quy định mới này đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Xin cảm ơn ông!