Tiêu chuẩn xếp lương chuyên gia cao cấp

PV.

Bộ Nội vụ đang xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và cơ quan chức năng… về dự thảo Nghị định quy định việc áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp.

Dự thảo Nghị định quy định về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện, số lượng, độ tuổi làm việc, trình tự và thủ tục thực hiện việc áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp; xếp lương, nâng bậc lương và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với chuyên gia cao cấp làm việc ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở Trung ương.

Cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở Trung ương (gọi chung là cơ quan Trung ương) bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng; Văn phòng chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cơ quan Trung ương của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Theo dự thảo có 3 nhóm đối tượng áp dụng gồm: 1) Cán bộ, công chức đã giữ chức danh Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương ở các cơ quan Trung ương hoặc đã giữ chức danh Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí vị trí công tác không giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương.

2) Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người quản lý doanh nghiệp nhà nước ngoài quy định nêu trên, bao gồm: Cán bộ có trình độ tiến sĩ đã giữ chức vụ Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí vị trí công tác không giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương…

3) Các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ đã đạt được giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ là người Việt Nam từ nước ngoài trở về Việt Nam làm việc.

Dự thảo cũng nêu rõ về tiêu chuẩn chuyên gia cao cấp. Theo đó, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhà nước, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc…

Về năng lực chuyên môn: Có năng lực tham mưu, đề xuất việc thực hiện pháp luật và hoạch định chính sách ngành, lĩnh vực theo chủ trương, đường lối của Đảng; có tầm nhìn, có khả năng dự báo và định hướng phát triển, hoạch định chính sách vĩ mô và chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển về các lĩnh vực chuyên ngành…

Theo dự thảo, một trong những điều kiện áp dụng là có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, không quá 60 tuổi đối với nam và không quá 55 tuổi đối với nữ. Riêng đối với cán bộ, công chức nữ quy định tại Nghị định 53/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức thì không quá 60 tuổi.

Số lượng chuyên gia cao cấp mỗi cơ quan Trung ương không quá 3 người. Độ tuổi làm việc của chuyên gia cao cấp không quá 65 tuổi đối với cả nam và nữ.

Dự thảo quy định về xếp lương như sau: Đối tượng thuộc Nhóm 1 được áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp thì tùy từng trường hợp cụ thể được xếp lương vào bậc 2 hoặc bậc 3 bảng lương chuyên gia cao cấp do Ban Bí thư quyết định theo đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương và giữ nguyên các chế độ, chính sách hiện hưởng.

Đối tượng thuộc nhóm 2 và 3 được áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp thì được xếp lương vào bậc 1 bảng lương chuyên gia cao cấp và hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định chung đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ (trừ chế độ phụ cấp chức vụ).

Về nâng bậc lương, chuyên gia cao cấp được nâng bậc lương theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Dự thảo nêu rõ, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, nếu chuyên gia cao cấp có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.