Trung Quốc đang phá vỡ “lòng tin chiến lược”

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Năm 2013 tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược.

Hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nguồn: internet
Hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nguồn: internet

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam bên lề hội thảo "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" tổ chức cuối tuần trước ở Đà Nẵng, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng việc Trung Quốc triển khai thêm giàn khoan tại Biển Đông không thể là một chuyện tình cờ xảy ra.

GS. C. Thayer nói: “Đó là một phần của kế hoạch mà Trung Quốc muốn biến tình hình ngày càng trở thành việc giữa Trung Quốc với Việt Nam chứ không phải giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Vịnh Bắc Bộ chỉ là một khu vực nhỏ hẹp và hai bên chỉ mới bắt đầu đàm phán về việc làm gì ở ngoài khu vực đó, vì thế rất đáng lo ngại. Cách tiếp cận này của Trung Quốc là rất cứng rắn. Điều đó rất đáng lo ngại và là một sự khiêu khích mới. Họ đang dùng những thứ được thiết kế để khai thác dầu mỏ vào mục đích chính trị. Nếu tôi là chủ công ty Trung Quốc, tôi sẽ rất lo lắng về việc mất lợi nhuận. Giàn khoan là để ra chỗ nào có dầu mỏ mà khoan chứ không phải là để vào vịnh Bắc Bộ chơi trò chính trị.

Năm ngoái tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nhớ lại chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc  Lý Khắc Cường tới Việt Nam tháng 10/2013, ông Lý Khắc Cường nói về đột phá mới trong quan hệ hai nước, rằng hai Đảng sẽ không làm gì để khiến bên kia giận dữ. Giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược. Hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với Việt Nam ngay trong những đối thoại giữa hai Chính phủ, thế rồi đùng một cái, không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động đơn phương. Thế thì làm sao có thể tiếp tục giữ lòng tin chiến lược, thứ mà phải qua một thời gian dài mới xây dựng được (từ khi bình thường hóa quan hệ, thỏa thuận về biên giới trên bộ, phân chia vịnh Bắc Bộ, trở thành đối tác chiến lược rồi đối tác chiến lược toàn diện).

Trung Quốc luôn vậy, như chính trong trường hợp của Australia khi nói về vùng nhận diện phòng không, họ từ chối đối thoại, thế rồi đến vụ máy bay Malaysia mất tích, họ lại tìm đến chúng tôi.

Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình, muốn có những mối quan hệ mới, nhưng lại hành xử rất tệ và vênh váo. Tờ Nhân dân Nhật báo (của Trung Quốc) từng đặt tôi viết bài nhưng chắc là họ sẽ không đăng, vì tôi kiến nghị Trung Quốc nên nhớ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Tôi cũng nhắc họ rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất từng bị nước ngoài đô hộ. Việt Nam cũng đã đấu tranh chống lại ách đô hộ. Philippines cũng từng bị đô hộ. Đâu phải chỉ có Trung Quốc từng đau khổ. Việt Nam đã phải đấu tranh giành độc lập, họ biết thế nào là hy sinh, Trung Quốc không phải dạy điều đó.

Việt Nam đang có sự cảm thông và ủng hộ của quốc tế. Việt Nam đã làm rất tốt việc đưa phóng viên quốc tế ra đó ghi hình, thông tin đến toàn thế giới. Người dân Bắc Mỹ, châu Âu và cả Australia, mỗi ngày mở tivi đều thấy những bản tin từ các phóng viên của chính họ về cách hành xử của Trung Quốc. Tôi không nghĩ Trung Quốc thích nghe dư luận thế giới nói về họ đâu.

Đây không phải là việc có thể giải quyết ngay lập tức mà cần nhiều thời gian. Đành phải phải làm thế thôi vì Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề rắc rối khác. Lúc này có thể thấy họ đang giảm áp lực lên Nhật Bản, có lẽ vì họ không thể căng ra trên hai mặt trận.

Trung Quốc đang khiêu khích và nếu Việt Nam giận dữ và phản ứng, Trung Quốc sẽ la lên với cả thế giới rằng Việt Nam hiếu chiến, đáng bị đáp trả. Trong tiếng Việt có hai khái niệm "đối tác" và "đối tượng". Đây là lúc xem xét kỹ hai khái niệm đó”.

PGS. Christopher Roberts, Giám đốc Điều hành về phát triển của Đại học New South Wales (Australia) cũng có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, trong đó ông cho rằng, hành động của Trung Quốc rõ ràng là vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) dù Trung Quốc có cố diễn giải chủ quyền của mình như thế nào đi chăng nữa, vì khu vực này nằm gần bờ biển của Việt Nam và theo UNCLOS thì việc ưu tiên xác định chủ quyền của một quần đảo sẽ là việc nó nằm gần với bờ biển hơn là những đảo hay quần đảo ở ngoài khơi.

PGS. Christopher Roberts nhận định: Trung Quốc đang áp dụng cái gọi là hai bước tiến một bước lùi ở Biển Đông. Chẳng hạn như trong trường hợp tranh chấp bãi cạn Scaborough với Philippines, khi dư luận thế giới đổ dồn chú ý thì họ rút tàu hải quân về. Tại giàn khoan Hải Dương 981, khi giới truyền thông lên thuyền của Việt Nam ra hiện trường thì họ lại chuyển sang việc xây dựng ở Trường Sa, trong khi vẫn duy trì ở Hoàng Sa.

Với những diễn biến hiện nay, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa cần phải tách bạch với việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đã cố tình đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Đây là một điều rất rõ ràng và Việt Nam đang nắm giữ ưu thế cụ thể trong trường hợp này. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đưa vụ việc này ra Tòa án Trọng tài quốc tế để Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng.

UNCLOS đã có những điều khoản không công nhận việc dùng vũ lực đánh chiếm một quần đảo có chủ quyền của một nước khác. Chính vì thế, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 cũng như những hành động sai trái vừa qua của Trung Quốc không thể là căn cứ để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này ,vì điều này là vi phạm luật pháp quốc tế.

Việt Nam nên bày tỏ ý định đệ đơn lên Tòa án Trọng tài quốc tế đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của các luật gia nổi tiếng thế giới để có thể làm rõ rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị kiện Trung Quốc về những điều khoản cụ thể nào. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải hồi hộp lo lắng trong vài tháng và có thể Trung Quốc sẽ phải tìm cách tham vấn trực tiếp với Việt Nam để giải quyết những căng thẳng hiện nay bằng việc rút giàn khoan khỏi khu vực hoặc phải có những nhượng bộ nhất định nếu không muốn ra Tòa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ phải thực sự suy nghĩ về việc họ muốn căng thẳng này sẽ đi đến đâu, nhất là nếu họ không muốn Tòa án ra phán quyết bất lợi cho họ, mà theo tôi là nhiều khả năng xảy ra. Tốt nhất là Trung Quốc nên hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tôi thực sự hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm của mình.

Theo những ý kiến trong hội thảo về Biển Đông mới đây, giới chuyên gia đang phân tích khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc. Kết quả tối ưu mà Việt Nam có thể đạt được là 80-90% phần Việt Nam tuyên bố chủ quyền được tòa án phán quyết, Việt Nam được kiểm soát các vùng biển đó mà Trung Quốc không thể can thiệp. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện của Philippines là dấu hiệu cho thấy khả năng Trung Quốc không thỏa hiệp với Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách tác động đến một số nước trong ASEAN, bằng các lợi ích kinh tế, thương mại, để làm giảm động lực đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam ngày 19/6 để bàn về việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và ngay sau đó, Trung Quốc lại đưa thêm một giàn khoan nữa đến khu vực này. Điều này nằm trong tính toán kỹ lưỡng của phía Trung Quốc. Có thể đang có những vấn đề trong việc đưa ra quyết định của phía Trung Quốc. Dường như lãnh đạo Trung Quốc chỉ chủ yếu lắng nghe những tư vấn của quân đội nước này chứ không phải là các tham vấn của các Bộ trong Chính phủ, nhất là Bộ Ngoại giao. Đây là lí do mà nhiều nước cho rằng Trung Quốc đang vì lợi ích vật chất trước mắt mà đánh mất đi vị thế của mình. Đây là sai lầm lớn nhất của Trung Quốc và khiến hình ảnh của Trung Quốc bị tổn thương nghiêm trọng và sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá trong nhiều năm sau này.

Vấn đề khiến tôi băn khoăn là thế trung lập ở khu vực Đông Nam Á sẽ kéo dài được bao lâu nếu Trung Quốc vẫn hành xử vượt quá quy chuẩn quốc tế như hiện nay. Chẳng hạn như Indonesia, họ thuộc Phong trào Không liên kết nhưng có xu hướng tiến gần hơn các nước phương Tây về phương diện an ninh. Nhật Bản, Ấn Độ cũng là lựa chọn hợp tác của một số nước Đông Nam Á. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có một trật tự mới nếu Trung Quốc tiếp tục đi ngược lại tuyên bố trỗi dậy hòa bình”.