Truyền thông quốc tế: Lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Huy An

Trước cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua, dư luận quốc tế và truyền thông quốc tế bày tỏ quan điểm quan ngại và lên án về những hành động của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Đường lưỡi bò vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam.
Đường lưỡi bò vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam.

“Đường chữ U không phải là cơ sở của Trung Quốc”

Trên tờ Korea Times phát hành ngày 16/3/2016 có tựa đề “Đường chữ U không phải là đường cơ sở của Trung Quốc” đã viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) là “hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý”.

Tờ Korea Times chỉ rõ, “Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của đường chữ U theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn. Cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường (điều 5), đường cơ sở thẳng (điều 7) và đường cơ sở quần đảo (điều 47).

Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản, đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về vạch đường cơ sở”.

Tờ báo trên cũng đưa ra những căn cứ lịch sử cho rằng, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phê phán hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông

Động thái phi pháp của Trung Quốc trong những ngày gần đây đã khiến cộng đồng thế giới hết sức quan ngại và cho rằng đây là động thái mang tính gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Giới truyền thông quốc tế đã lên án mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tờ Rzeczpospolita của Ba Lan cũng có bài phê phán hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin tờ báo này về đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đảo Gạc Ma do cộng đồng người Việt tổ chức tại chùa Thiên Phúc ở Thủ đô Warsaw nêu rõ: “Ngày nay, đảo Gạc Ma là một trong những điểm nóng trên Biển Đông, được cả thế giới quan tâm. Việc Trung Quốc liên tục có những hoạt động bồi đắp, xây dựng, mở rộng, làm thay đổi nguyên trạng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không phù hợp với lợi ích của các nước liên quan”.

Trước đó, theo báo Toàn cảnh Frankfurt của Đức số ra ngày 24/2 cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Tờ báo này chỉ trích, Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Theo tờ Toàn cảnh Frankfurt, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy, Trung Quốc có thể đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa một trạm radar tần số cao.

Về vấn đề này, tờ Thời đại của Đức dẫn các nguồn tin Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa máy bay tiêm kích tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tại đảo này. Trung Quốc đã bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt ở đây một trạm radar tần số cao. Chưa hết, tờ Thế giới của Đức đã chỉ trích việc xây dựng trái phép trạm radar này, coi đây là cấp độ mới trong cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo.

Hãng ABC của Australiacông bố một tài liệu dài 7 trang của Chính phủ nước này, đưa ra các điểm chính về lập trường liên quan tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau những hành động của Bắc Kinh gần đây. Tài liệu ghi rõ hoạt động của Trung Quốc đang “gây căng thẳng trong khu vực” và bày tỏ lo ngại về các triển khai mới của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm.

Trong khi đó, kênh truyền hình Channel News Asia phát sóng cuộc trả lời phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama liên quan đến tin Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của ViệtNam. Trong bài phỏng vấn, Tổng thống Mỹ khẳng định cách hành xử của Bắc Kinh đã dẫn đến “nguy cơ xung đột đáng kể” tại Biển Đông. Ông Obama nhấn mạnh Trung Quốc nên dừng các hành động đơn phương, đồng thời tuân thủ những quy định hiện hành và luật pháp quốc tế, vì hòa bình và an ninh trong khu vực./.