Từ năm 2018, đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập thực tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Từ năm 2018, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Đây là một nội dung mới trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được trình Quốc hội chiều ngày 26/5.

Từ năm 2018, đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập thực tế
Từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Nguồn: internet

Bổ sung quyền thanh tra cho tổ chức BHXH

Theo tờ trình, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung nhiều so với Luật hiện hành. Cụ thể, Luật sửa đổi không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh như luật hiện hành.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật bổ sung BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, theo mùa vụ, công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đồng thời luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện ổn định như: học viên quân đội, công an, cơ yếu, người quản lý doanh nghiệp (DN)...

Dự thảo bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, TP về quản lý nhà nước BHXH. Bổ sung quyền khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Để khắc phục thực trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, DN chiếm dụng tiền đóng BHXH, dự thảo bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền.

Về quyền của người lao động, Luật mới bổ sung quyền được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày.

Về chế độ thai sản, luật quy định lao động nam được nghỉ 5 ngày nếu vợ sinh thường và nghỉ 7 ngày đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH dài nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc. Sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2012, bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.

Bổ sung quy định điều chỉnh trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế.

Tăng dần tuổi nghỉ hưu

Đối với tuổi nghỉ hưu, luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại.

Cách tính lương hưu cũng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Bổ sung một điều quy định giải quyết trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư.

Phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng được bổ sung, theo thời hạn một năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau theo hướng thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu theo hướng cao hơn và quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với một số trường hợp đặc biệt.

Đặc biệt, một nội dung mới được quan tâm của luật là quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động.

Đây cũng là một trong những nội dung hiện còn những ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất ủng hộ đóng theo BHXH theo mức lương và phụ cấp cho rằng phương án này khả thi hơn, ổn định hơn, đặc biệt tránh cho DN phải chịu gánh nặng chi phí gia tăng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nhóm ý kiến thứ hai ủng hộ quy định mới cho rằng việc này sẽ giải quyết triệt để bất cập về khoảng cách lương đóng BHXH và thu nhập thực tế, bảo đảm tốt hơn đời sống người lao động khi nghỉ hưu.

Chính vì vậy, để hài hoà các mục tiêu, Chính phủ đề nghị trong giai đoạn từ khi luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 thực hiện theo nhóm ý kiến thứ nhất, từ năm 2018 trở đi thực hiện theo nhóm ý kiến thứ hai.