Việt Nam hoàn thành đàm phán FTA với EU

Theo dddn.com.vn

Chiều nay (4/8), tại Khách sạn Melia (Hà Nội), Việt Nam cùng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố Thỏa thuận trên nguyên tắc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau lễ công bố là Buổi gặp gỡ Báo chí nhân dịp sự kiện này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lễ Công bố và buổi Gặp gỡ Báo chí sẽ được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Đại sứ – Trưởng Phái đoàn EU, Tiến sĩ Franz Jessen.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư trong một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặc dù hiện nay mới chỉ có các FTA với khối ASEAN hay các đối tác tại khu vực Đông Nam Á đang có hiệu lực thi hành, nhưng Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm các cơ hội đàm phán các FTA với cả các đối tác thương mại chiến lược ngoài khu vực Đông Nam Á, như Hoa Kỳ, Chi-lê và cả EU. Trong đó, đàm phán FTA với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU được đàm phán bắt đầu từ tháng 6/2012. Phiên đàm phán thứ 13 FTA giữa Việt Nam và EU vừa kết thúc vào ngày 12/6 tại Brussels (Bỉ) đã đạt nhiều tiến triển tích cực trong tất cả lĩnh vực còn tồn tại.

Phiên đàm phán lần này được tiến hành ở cấp trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, pháp lý – thể chế, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước…Hai bên đã thảo luận hướng xử lý các nội dung còn tồn tại trong việc mở cửa thị trường các lĩnh vực trên.

EU gồm 27 quốc gia thành viên hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản…

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.030 dự án còn hiệu lực đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36 tỷ USD.