Việt Nam quyết thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới

PV.

Đó là mục tiêu chiến lược được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã kết thúc 30 năm đầu tiên của quá trình đổi mới và đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2015, có trên 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này.

“Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. Vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu xem, Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa!”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.

Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%. Có 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.

“Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cấp thiết” – ông Bình nhấn mạnh.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương cũng khẳng định triển vọng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Dự kiến trong vòng 10 năm, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.