Việt Nam và những đóng góp cho Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC)

PV.

Sau 3 ngày làm việc, ngày 6/11, Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 4 đã bế mạc. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ABAC 2017, suốt trong thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp lần này cũng như trong thời gian Kỳ họp diễn ra, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC đề xuất nhiều khuyến nghị để cùng nhau xây dựng một lộ trình mang dấu ấn Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ABAC 2017
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ABAC 2017

Ông Hoàng Văn Dũng cho hay, Việt Nam đã chủ động đưa ra chương trình, nội dung để các thành viên ABAC cùng nhau xây dựng lộ trình, khuyến nghị mang dấu ấn Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công 4 cuộc họp và tổ chức rất chu đáo Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS), sắp tới là các Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp  APEC (APEC CEO Summit), Đối thoại của các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn Doanh nghiệp APEC…

“Có thể nói, chưa có lần nào mà Hội nghị APEC có sự tham dự đầy đủ và đông các nhà lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp như Việt Nam chúng ta đăng cai tổ chức năm APEC 2017. Đến giờ này đã có gần 2.000 đại biểu trong và ngoài nước đăng ký tham dự. Trong lịch sử 28 năm của APEC thì đây là lần đầu tiên, đội ngũ các CEO thế giới quy tụ đông đảo đến như vậy”- ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.

Nói về việc các đại biểu từ các nền kinh tế tham dự APEC 2017 có thể kỳ vọng gì về Việt Nam, ông Hoàng Văn Dũng cho hay, Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để phát triển. Ví dụ như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, đặc biệt là sự ổn định về chính trị… Tuy nhiên, cái chúng ta thiếu là chính sách để nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Việc thay đổi tư duy và biến đổi thành hành động sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian nhiều hơn nữa để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi.

Khẳng định thêm về những đóng góp của Việt Nam tại Kỳ họp thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho rằng: Ngay từ đầu, chúng ta đã xây dựng chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai” và đã nhận được sự ủng hộ cao của các nền kinh tế thành viên APEC.

Việt Nam đã cùng với các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng các khuyến nghị theo lộ trình được đề ra; Phối hợp rất chặt chẽ với các quan chức cấp cao các SOM, thành viên APEC để đưa các ý tưởng của chúng ta ra cộng đồng doanh nghiệp. Từ cộng đồng doanh nghiệp lại phản hồi các chính sách trở lại đến Chính phủ các nền kinh tế APEC.

Nói về các khuyến nghị mà Việt Nam đóng góp lên ABAC trước khi trình lên Hội nghị Cấp cao APEC năm nay, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho biết thêm: Khuyến nghị quan trọng nhất của Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh Hội nhập kinh tế trong khu vực và quốc tế; giảm hàng rào thuế quan, giảm hàng rào bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thương mại và đầu tư phát triển.

Nói về TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), ông Dũng chia sẻ thêm: Đây là thành tựu của chúng ta sau 5 năm đàm phán. Chúng ta đã kỳ vọng Quốc hội các nền kinh tế thông qua. Thế nhưng rất tiếc Mỹ đã rút khỏi TPP. Song vào tháng 5 vừa rồi, tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, APEC đã nối lại vòng đàm phán và thông qua TPP  kêu gọi 11 nền kinh tế thành viên thông qua để tạo động lực để các thành viên khác cũng thông qua

Khẳng định thêm về các hiệp định hợp tác trong khu vực hiện nay, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, mục tiêu các nước hướng tới là đến năm 2025 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực tự do hóa thương mại trước WTO.

Nói về tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp số và kinh tế mạng ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ông Hoàng Văn Dũng cho hay, trong năm nay, các thành viên ABAC sẽ thành lập thêm 1 nhóm nghiên cứu về công nghệ số và sẽ triển khai việc đó ở Papua New Guinea vào sang năm. Có rất nhiều việc phải làm ví dụ như hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng, thông suốt, không biên giới, từ nước này sang nước khác đều áp dụng được. Thứ hai là phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin thông suốt, nhanh nhạy, tốc độ cao. Thứ ba là phải có nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi sự phát triển đồng bộ giữa Chính phủ và doanh nghiệp cùng bắt tay với nhau để cùng làm.