Xác định độ tuổi nghỉ hưu vì lợi ích số đông người lao động

Phan Bá Sang - Nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc

(Tài chính) Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra với việc các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Có nhiều ý kiến khác nhau về quy định độ tuổi nghỉ hưu được thể hiện trong Dự thảo luật này. Xét trên bình diện chung, tuổi nghỉ hưu là vấn đề quan trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, do vậy cần được xem xét, nhìn nhận tổng thể, khách quan, khoa học và phải vì lợi ích của số đông người lao động.

Xác định độ tuổi nghỉ hưu vì lợi ích số đông người lao động
Tuổi nghỉ hưu là vấn đề quan trọng, tác động lớn đến phát triển KT_XH. Nguồn: internet

Hiện nay, ngân sách quốc gia đang phải chịu một gánh nặng quá lớn để chi cho bộ máy quản lý hành chính khổng lồ, trong khi hoạt động kém hiệu quả do một thời bao cấp để lại và một phần do công tác tuyển dụng và bố trí cán bộ “vì người nhiều hơn vì việc”. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương được định biên đông đủ  nhưng hiệu quả công việc còn nhiều điều đáng bàn. Về mặt xã hội, số đông người lao động ở tuổi 60 trở đi đã có phần lão hóa, năng suất lao động và hiệu quả công tác giảm, trong khi đó, theo số liệu thống kê được đưa ra, cả nước còn hàng trăm nghìn lao động trẻ, trong đó hàng chục nghìn lao động trẻ có trình độ đại học và trên đại học lại chưa có việc làm, đây là những con số đáng phải suy nghĩ. Từ thực tế đó, thiết nghĩ việc xác định tuổi nghỉ hưu phù hợp sẽ góp phần giảm chi, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, giảm thất nghiệp, góp phần ổn định KT-XH.

Việc xác định tuổi nghỉ hưu đối với các nhà quản lý giỏi, các nhà khoa học, nếu được quy định hợp lý sẽ tiếp tục tận dụng, sử dụng được lực lượng lao động có trình độ cao, có hữu ích rất lớn cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng được tiêu chí rất cụ thể để xác định đúng người tài năng. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ rất hùng hậu, nhưng một câu hỏi đặt ra đã có bao nhiêu tiến sỹ có đề tài khoa học được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế và vì sự phát triển của quốc gia? Vì vậy, không đưa ra được những tiêu chuẩn cụ thể để xác định kéo dài tuổi hưu đối với lực lượng lao động này, vô hình trung là đã tạo ra mất công bằng xã hội.

Đối với lao động nữ, việc xác định tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm, có những chính sách về bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ. Bình đẳng ở đây được hiểu là bình đẳng về nghĩa vụ, bình đẳng về quyền lợi, chị em phụ nữ ngoài công tác xã hội còn gánh nặng gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ, là trung tâm giữ “lửa” cho hạnh phúc gia đình. Với tinh thần như vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ đâu phải là bình đẳng, đây là không bình đẳng về nghĩa vụ và thiệt thòi về quyền lợi. Giá như, trước khi xây dựng một chính sách vĩ mô như thế này, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ tổ chức các cuộc điều tra xã hội học để biết tâm tư nguyện vọng thực sự của đại đa số lao động nữ, xem họ nói gì thì khi chính sách được xây dựng và ban hành sẽ sát thực hơn. Vì thực tế, ngoài lực lượng lao động nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại có chế độ chính sách riêng, không ít các lao động nữ là những cô giáo qua mấy chục năm đứng lớp, chưa đến tuổi 60 đã thấy trí lực, thị lực giảm nhiều. Hầu hết trong số họ đều mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55 theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành.

Liên quan đến việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) dành cho người nghỉ hưu, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay do cơ cấu dân số nước ta đang ngày càng già hóa, số người nghỉ chế độ gia tăng khiến trong tương lai không xa (năm 2020-2022) khả năng quỹ BHXH sẽ bị vỡ do không thể cân đối quỹ, dẫn đến việc cần phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng. Thực ra, sự quan tâm và lo lắng của các nhà quản lý Quỹ BHXH là cần thiết. Nhưng, để phòng nguy cơ vỡ quỹ, việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp duy nhất. BHXH là một chính sách ưu việt của chế độ ta trong thời kỳ quá độ. Quỹ BHXH được hình thành đâu phải duy nhất từ nguồn thu từ người lao động đang làm việc, nếu chỉ riêng nguồn thu này những năm qua không thể cân đối được Quỹ BHXH vì một thời bao cấp có hàng triệu lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đâu có phải mua BHXH, nhưng nay về nghỉ hưu trí, mất sức theo chế độ vẫn đang hưởng từ nguồn chi của Quỹ. Thực tế, để cân bằng thu, chi hàng năm, ngân sách Nhà nước phải cân đối một nguồn không nhỏ để giải quyết chế độ cho những người hưu trí.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp tích cực để cân bằng thu - chi, bảo đảm đúng nghĩa công tác quản lý thực hiện chế độ BHXH. Để làm được điều đó, trước tiên phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách hành chính tinh giản biên chế, thực hiện trẻ hóa lực lượng lao động, giảm chi quỹ tiền lương từ ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của bộ máy quản lý nhà nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KT- XH.

Thứ hai, nghiên cứu thêm thời gian quy định phải đóng BHXH theo hướng tăng mức quy định về thời gian đóng cho cả lao động nam và nữ thuộc các thành phần kinh tế và lực lượng vũ trang để bảo đảm công bằng xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tăng thời gian thu và nguồn thu vào quỹ BHXH thay cho giải pháp nâng tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba, cần xác định rõ vai trò, chức năng quản lý của tổ chức BHXH, nâng cao năng lực quản lý khắc phục những hạn chế trong công tác thu - chi Quỹ BHXH, trước hết là thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, cần tham mưu đề xuất, đưa ra những chế tài cụ thể buộc các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc chế độ đóng BHXH cho người lao động, từng bước xóa bỏ hiện trạng thất thu như hiện nay. Đồng thời cần thực hiện tốt nhiệm vụ chi, bảo đảm chi đúng chế độ, đúng đối tượng, hạn chế tối đa sự thất thoát nguồn quỹ và những mục chi không mang lại hiệu quả KT- XH…

Với hy vọng một chính sách mới được ban hành phải góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy nền KT-XH quốc gia phát triển bền vững và phù hợp với lòng dân, thiết nghĩ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về quy định tuổi nghỉ hưu cần có cái nhìn tổng thể hơn và vì lợi ích của số đông người lao động.