Tọa đàm về cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”

Phùng Tuấn

TCTC Online - Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Anh, đồng thời nhằm tôn vinh một nhà lãnh đạo tài năng và uy tín trên nhiều lĩnh vực, ngày 21/09/2012, Văn phòng Bộ Tài chính và Tạp chí Tài chính đã tổ chức Tọa đàm khoa học lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện cuốn sách "Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng".

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo triển khai thực hiện Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Anh, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Trần Tiêu, Phạm Văn Trọng, Lý Tài Luận, Vũ Mộng Giao - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, các đồng chí lão thành cách mạng; các nhà khoa học đến từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự; đại diện Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Hà Nội, đại diện gia đình đồng chí Hoàng Anh, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Văn phòng Bộ, các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Tài chính...

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp với nhiều tham luận, ý kiến được các đại biểu chia sẻ. Đồng chí Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính xúc động: “Tôi được may mắn là đồng hương với đồng chí Hoàng Anh. Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tôi mới là cậu thiếu niên 13, 14 tuổi nhưng đã biết đồng chí là một nhà cách mạng kiên cường, chỉ huy Tổng khởi nghĩa ở Thừa Thiên - Huế, là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính (UBHC) đầu tiên của chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng chí Hoàng Anh được bầu vào Quốc hội Khoá I. Lớp thiếu nhi chúng tôi ngày đó đã đánh trống, phất cờ, đi cổ động bầu cử cho những ứng cử viên là các chiến sỹ cách mạng, các nhân sỹ trí thức, nhà công thương, công nông binh trong mặt trận Việt Minh, trong đó nổi bật là tên tuổi của đồng chí Hoàng Anh. Ông là cán bộ cách mạng cao cấp, còn tôi là thiếu nhi, rồi học sinh, sinh viên, cán bộ mới vào đời, ít có cơ hội gặp trực tiếp, chỉ biết qua báo chí hay các cuộc mít tinh, nhìn lên lễ đài, thấy ở xa xa. Mãi đến giữa năm 1965, khi tôi về công tác ở Vụ Công nghiệp Kiến trúc - Bộ Tài chính, một lần đồng chí Hoàng Anh dẫn đồng chí Đặng Việt Châu, mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thay cho đồng chí Hoàng Anh được điều động lên Ban Chấp hành Trung ương công tác đến thăm Vụ, tôi mới được gặp mặt đồng chí lần đầu. Từ đó, tôi biết thêm đồng chí Hoàng Anh là Bộ trưởng Bộ Tài chính thứ ba (sau đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Văn Hiến). Đồng chí Hoàng Anh làm Bộ trưởng Bộ Tài chính vào hai thời kỳ. Thời kỳ đầu từ năm 1958 – 1965, là thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sôi nổi và rộng khắp ở miền Bắc cũng như việc xây dựng lực lượng chính trị, quốc phòng, an ninh, toàn dân đoàn kết đấu tranh thống nhất nước nhà. Thời kỳ này, đồng chí Hoàng Anh lại được bầu vào Trung ương Đảng Khoá III và Ban Bí thư. Tôi được biết thêm, đồng chí là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội. Trong những năm công tác ở Bộ Tài chính, kể cả thời kỳ còn là sinh viên ở nước ngoài, tôi đã được nghiên cứu nhiều tài liệu, bài viết của đồng chí Hoàng Anh về ngành Tài chính, những quan điểm về Ngành, về tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách, XDCB, ngân hàng kiến thiết, “ba xây, ba chống”; toát lên trí tuệ có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo thực hiện sâu sát, rèn luyện cán bộ giữ nét son của ngành Tài chính, phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư…  Những năm 1977 - 1978, khi đồng chí Hoàng Anh được Trung ương điều động về lại làm Bộ trưởng Bộ Tài chính lần thứ hai. Một kỷ niệm sâu sắc mà tôi không bao giờ quên. Tại hội nghị về tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính lúc đó, đồng chí Hoàng Anh phát biểu: Sự nghiệp tài chính rất nặng nề, trọng đại đối với quốc gia. Ai có sức gánh vác bao nhiêu cân, vác đầu ngọn, đầu gốc hay ở giữa tùy lực mà sắp xếp, chứ không phải giành địa vị. Lãnh đạo Bộ và tổ chức sẽ xem xét quá trình công tác và năng lực của các đồng chí, nhưng các đồng chí cũng tự xem xét mình, có sức ai dám xung phong nhận nhiệm vụ: Vụ trưởng, vụ phó không?... Hội nghị đó như một luồng gió mới, nung nấu và nâng cao ý thức của chúng tôi, khiến chúng tôi càng kính phục, mến yêu vị Bộ trưởng có tầm nhìn chiến lược về con người, về cán bộ, có tấm lòng trong sáng, anh minh. Qua sự chỉ đạo của Bộ trưởng Hoàng Anh, tiếp liền sau đó có một lớp cán bộ trẻ, có học thức được đề bạt, trong đó có nhiều phó tiến sỹ, cử nhân nhận nhiệm vụ mới và mở mang sự nghiệp Tài chính cho nhiều năm tiếp theo.

Tọa đàm về cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” - Ảnh 1

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế phát biểu tại buổi tọa đàm

Nguyên Thứ trưởng Trần Tiêu – người có một thời gian làm việc dài dưới quyền của đồng chí Hoàng Anh, dù sức khỏe không được tốt, song cũng dành thời gian khá dài để chia sẻ về người thủ trưởng đáng kính của mình. Đồng chí Trần Tiêu tâm sự: “Tôi may mắn được làm việc dưới quyền của 8 đời Bộ trưởng, trong đó, người tạo ấn tượng sâu đậm nhất với tôi đó là Bộ trưởng Hoàng Anh. Tôi đã học được nhiều điều từ ông trong cuộc sống cũng như trong công việc, đặc biệt là tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong cuộc đời của mình, dù trên cương vị công tác nào, dù trên bất cứ lĩnh vực gì, đồng chí Hoàng Anh luôn tạo được nhiều ấn dấu ấn và thành công. Ông là người lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn chiến lược. Bởi trong cuộc đời của ông, chưa một ngày ông được học về tài chính, tuy nhiên, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính mà Đảng và Nhà nước giao phó ông lại điều hành rất khoa học và bài bản. Có thể khẳng định, trong lĩnh vực tài chính, ông đã để lại nhiều điều đáng để chúng ta học tập. Nói về công lao, đóng góp của Bộ trưởng Hoàng Anh không thể không nói đến 4 quan điểm và 3 chức năng của ngành Tài chính mà đồng chí đề ra, tạo nền tảng xây dựng và phát triển cho ngành Tài chính thời điểm đó và bây giờ. Nói cách khác, ông là người đầu tiên xây dựng và phát triển ngành Tài chính dựa trên 4 điểm và 3 chức năng về tài chính. Theo đó, 4 quan điểm gồm: Quan điểm sản xuất, quan điểm quần chúng, quan điểm động viên công bằng và quan điểm tiết kiệm và 3 chức năng gồm: Chức năng động viên công bằng hợp lý. Chức năng tiết kiệm. Chức năng tập trung giám sát. Giờ đây, bối cảnh đất nước đã khác, nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với thế giới, song các chức năng này vẫn còn nguyên giá trị…”

Tọa đàm về cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” - Ảnh 2 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Tiêu phát biểu tại buổi tọa đàm

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định: “Trong lịch sử 67 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính Việt Nam vinh dự được ghi dấu ấn của nhiều vị lão thành cách mạng của Đảng ta. Những nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Hoàng Anh… không chỉ có công tạo móng, xây nền mà còn để lại những dấu ấn to lớn cho ngành Tài chính Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, góp phần tô thắm nét son truyền thống của Ngành, thúc đẩy sự nghiệp tài chính cách mạng không ngừng trưởng thành, phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải  phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng với cụ Hoàng Anh, nguyên Bí Thư trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ là người có sự gắn bó với ngành Tài chính rất đặc biệt, khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính ở hai thời kỳ khác nhau. Ở thời kỳ nào, dấu ấn của Bộ trưởng Hoàng Anh để lại với Ngành cũng thật sâu sắc, đậm nét. Ghi nhận những công lao to lớn của cụ Hoàng Anh với đất nước, năm 2007, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cụ Huân Chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cụ Hoàng Anh vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao cho cụ - người đảng viên cộng sản lão thành Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng… Nhằm thiết thực kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cụ Hoàng Anh, vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta; với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Bộ Tài chính chủ trương biên soạn cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của Cụ với Đảng, với Chính phủ, với ngành Tài chính, nêu cao tấm gương sáng mẫu mực về người đảng viên cộng sản kiên cường, vị lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp tài chính cách mạng nói riêng. Cuốn sách không chỉ là ấn phẩm mừng đại thọ 100 tuổi của Cụ mà còn để mọi người trong xã hội và các thế hệ cán bộ ngành Tài chính học tập, noi theo tấm gương của một vị lãnh đạo tài năng, trí tuệ, một tấm gương sáng về sự: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”…

Tọa đàm về cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” - Ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, tọa đàm cũng đã được nghe các bài phát biểu, các chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Trọng, Thiếu tướng Phạm Minh Đức, đại diện Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Hà Nội… Tất cả những ý kiến đã phác họa lên chân dung một con người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự phát triển của đất nước, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ của Đảng ta, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, các đại biểu trong Tọa đàm thực sự xúc động trước chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của con gái đồng chí Hoàng Anh về người cha đáng kính của mình, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về đồng chí Hoàng Anh của cuộc sống gia đình - đó là một người chồng, người cha mẫu mực, luôn thương yêu vợ con, luôn lạc quan với cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật, giỏi giang trong mọi lĩnh vực, có một trí nhớ tuyệt vời và luôn dạy cho những người con về tính tự lập, vươn lên sau khi ngã và yêu thương lẫn nhau…

Tọa đàm về cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” - Ảnh 4 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đại diện gia đình cụ Hoàng Anh

Có thể nói, với trên 75 năm tuổi Đảng, gần 80 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, anh dũng và trọn vẹn, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như nguyên Bí Thư trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính…, đồng chí Hoàng Anh là niềm tự hào không chỉ của Đảng, Nhà nước ta mà của nhiều Bộ, Ngành, trong đó đặc biệt là ngành Tài chính với vinh dự được Đồng chí hai lần đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng. Cuốn sách “Đồng chí Hoàng Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” sẽ được xuất bản tới đây chính là món quà tri ân của toàn bộ công chức, viên chức ngành Tài chính dành cho vị Bộ trưởng đáng kính, tài ba, người đã tạo móng, xây nền để ngành Tài chính phát triển và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như ngày hôm nay.