Tốc độ tăng nợ công giảm, trần nợ công trong ngưỡng an toàn

PV.

Trong năm qua, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, hiệu quả theo hướng tích cực về cơ cấu, kỳ hạn, lãi suất, đảm bảo khả năng trả nợ. Trong giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam đã giảm xuống bình quân còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ còn ở mức 6%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng của nợ công của Việt Nam ở mức bình quân là 18,1%/năm thì giai đoạn 2016 – 2018 đã kéo xuống bình quân còn 8,6%/năm, riêng năm 2018 chỉ còn ở mức 6%.

Trong khi đó, về trần nợ công, tỷ lệ nợ công giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP xuống còn 61,4% GDP cuối năm 2017. Đến nay, Việt Nam còn khoảng thời gian đến hết tháng 1 để thanh toán các khoản giải ngân nên ước tính dự nợ công của năm 2018 ở mức dưới 61% GDP.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, hiệu quả theo hướng tích cực về cơ cấu, kỳ hạn, lãi suất, đảm bảo khả năng trả nợ.

Theo đó, tiếp tục đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ (giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 53,1%), phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên (bao gồm kỳ hạn dài 20-30 năm) để kéo dài kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ. Tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Đặc biệt, năm 2018 có thể xem là năm hiếm hoi bởi Việt Nam được hai trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng. Trong năm 2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức Ổn định từ mức Tích cực. Fitch nâng hạng Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp giảm chi phí huy động vốn vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc nâng hạng tín nhiệm cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường quản lý, giám sát nợ công trong mức an toàn.

Có thể nói, tình hình nợ công có nhiều triển vọng khả quan nhờ việc Luật Quản lý nợ công đi vào cuộc sống, qua đó đã tạo ra những thay đổi cơ bản về thống nhất chức năng huy động vốn vay nợ công; Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nợ công.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 952/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công, trong đó xác định việc triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong năm 2018, đòi hỏi các đơn vị có liên quan phải ưu tiên tập trung nguồn lực và tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.

Trong đó, Quyết định này cũng xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc Bộ Tài chính đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017, bảo đảm chất lượng, đúng yêu cầu. 

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, khoảng 61,3%GDP.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Thực hiện giải ngân vốn vay trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; Bố trí trả đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá đầy đủ tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững...