Tổng cục Dự trữ Nhà nước ban hành Công điện số 11/CĐ-TCDT về việc ứng phó với cơn bão số 8

Thanh Dương (tổng hợp)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 8 đang hướng vào miền Trung nước ta. Ngày 23/10/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TCDT chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với cơn bão này.

Máy phát điện từ kho dự trữ quốc gia sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân vùng lũ.
Máy phát điện từ kho dự trữ quốc gia sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân vùng lũ.

Tạp chí Tài chính xin giới thiệu toàn văn Công điện số 11/CĐ-TCDT:

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày (23/10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 04 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 04 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Căn cứ diễn biến của cơn bão số 8 nêu trên có thể tiếp tục gây mưa, lũ trên địa bàn các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên trở ra phía Bắc; do vậy, để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 8 và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay trên địa bàn các tỉnh Miền Trung; tiếp theo các Công điện số 09/CĐ-TCDT ngày 12/10/2020 và số 10/CĐ-TCDT ngày 16/10/2020; Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trở ra phía Bắc thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, tiếp tục tổ chức trực ban thường xuyên, theo dõi diễn biến của cơn bão số 8 và tình hình mưa lũ trên địa bàn, kịp thời có biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia.

Hai là, đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được Tổng cục giao nhiệm vụ xuất hàng dự trữ quốc gia (gạo, vật tư thiết bị) hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ (theo các Quyết định: số 1599/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 và số 1629/QĐ- TTg ngày 20/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp 5.000 tấn gạo và trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ); khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức xuất cấp, vận chuyển giao hàng hỗ trợ các địa phương kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng và theo đúng thời gian Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quy định.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia, kịp thời sửa chữa khắc phục những hư hỏng tài sản, trang thiết bị, kho chứa hàng dự trữ quốc gia (nếu có); đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia. Có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có kho, hàng dự trữ quốc gia, trụ sở cơ quan dự trữ để sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại đơn vị. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ quốc gia để xuất cấp ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nếu có phát sinh, vướng mắc, những vấn đề vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo về Tổng cục Dự trữ Nhà nước (qua Vụ Quản lý hàng dự trữ) để theo dõi, chỉ đạo.

Yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.