Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin kiến nghị từ các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu

PV.

Ngày 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Đoàn công tác đã có chuyến thị sát, làm việc tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, cảng Green Port, cảng Đình Vũ để tháo gỡ tình trạng tồn đọng container nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tại các cảng.

Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin kiến nghị từ các doanh nghiệp, nếu lô hàng nào đã có đủ khả năng thông quan mà vẫn bị gây khó dễ, phiền hà thì Tổng cục sẽ xem xét, xử lý. Nguồn: Internet
Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin kiến nghị từ các doanh nghiệp, nếu lô hàng nào đã có đủ khả năng thông quan mà vẫn bị gây khó dễ, phiền hà thì Tổng cục sẽ xem xét, xử lý. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, tại các cảng lớn của Việt Nam như: Hải Phòng, Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép còn tồn đọng nhiều container hàng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, đình trệ việc sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Bắc.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, tính riêng khu vực Cảng Hải Phòng hiện còn tồn đọng trên 5.000 container phế liệu. Trong số container này, có những container được nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Khi hàng bị tồn đọng tại cảng, nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu đầu vào để hoạt động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số container nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chậm được thông quan, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian gần đây, một số hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra những đề xuất, giải pháp để làm rõ những vấn đề mới, những thay đổi về quản lý nhà nước, hồ sơ đăng ký, cơ quan kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, chú trọng việc giám sát nguồn gốc, chất lượng của các lô hàng nhập khẩu.

Trong quá trình triển khai, có những doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu này nên ngành Hải quan không cho thông quan.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng chia sẻ thêm, Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin kiến nghị từ các doanh nghiệp, nếu lô hàng nào đã có đủ khả năng thông quan mà vẫn bị gây khó dễ, phiền hà thì Tổng cục sẽ xem xét, xử lý.

Tại buổi thị sát, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Đoàn công tác sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý các container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đang tồn đọng theo hướng đối với việc kiểm định chất lượng hàng hóa, các ngành liên quan sẽ thành lập một đoàn giám định duy nhất gồm cơ quan giám định độc lập do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định và có sự tham gia của các Cục Hải quan liên quan.

Kết quả giám định này sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng Cục Hải quan để các đơn vị tiếp cận, kết nối, rút ngắn thời gian giải quyết, tránh phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Đồng thời, nhằm tiến hành cải cách thực chất, giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị ngành Hải quan tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giảm phí, miễn một số loại phí cho doanh nghiệp có container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với việc kết nối một cửa trong khối ASEAN, Đoàn công tác sẽ đề xuất với Thủ tướng giao cho một đơn vị cung cấp dịch vụ đồng bộ, hệ thống, tránh tình trạng một cửa nhưng vẫn tắc nghẽn, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong khi chờ các văn bản chính thức từ Chính phủ, từ ngày 29/1 đến 2/2/2019, các ngành cần tích cực, khẩn trương triển khai công tác để giải phóng hàng tồn cho doanh nghiệp.