Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 - 2021

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Trên cơ sở phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, khi nền kinh tế đối mặt với nhiều tác động xấu với những diễn biến khó lường từ chiến tranh thương mại, đến dịch Covid -19… bài viết đưa ra những nhận định, đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam của cả năm 2020 và năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Từ cuối năm 2019 đến nay, nền kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế được khởi động lại. Nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn năm 2020, song điều này chủ yếu là do tăng trưởng sẽ đạt mức yếu trong năm nay và Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách để giảm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm không xuất hiện những làn sóng dịch mới.

Mặt khác, nhiều dự báo cho rằng dịch Covid-19 có thể khiến nhiều làn sóng đầu tư, tiêu dùng bùng phát trong giai đoạn sắp tới và các cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công không thể bị loại trừ. Theo đó, lạm phát tăng, đầu tư công tràn lan kém hiệu quả... Tuy nhiên, những dấu hiệu cải thiện vĩ mô đang rõ rệt vào thời điểm hiện nay nhờ vào các định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, cắt giảm lãi suất, thoái vốn ngoài ngành, tăng hiệu quả đầu tư công... Sự thay đổi cơ bản về cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho mục tiêu duy trì tăng trưởng và ổn định giá cả trong năm 2021.

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020

Tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Việt Nam từ năm 2019 đến nay diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu; thêm vào đó là tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 tiếp tục đà tăng trưởng khá, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch.

Cụ thể, GDP tăng 6,8%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, ổn định thị trường và duy trì được tốc độ tăng trưởng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục được do một số ngành, sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm, thiếu tính cạnh tranh, nguồn lao động chưa đảm bảo, giá cả nguyên nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, giá vàng biến động khó lường, không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất công nghiệp.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 - 2021  - Ảnh 1

Bước sang năm 2020, GDP quý II/2020 tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II so với các năm trong giai đoạn 2014–2020, nguyên nhân là trong quý này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%. Theo đó, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,30%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.

Giá trị các ngành sản xuất dịch vụ tăng 7,3%, cao hơn nhiều so với thủy sản - nông lâm và xếp sau lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ tăng trên 8,1% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm trước).

Thành quả này có được là nhờ vào việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các hiệp định thương mại nhằm tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp đã tích cực củng cố và phát triển thị trường, ổn định đơn hàng, đa dạng hóa sản phẩm… nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, cùng với các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại được chú trọng, nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, tính đến hết quý II/2020 dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 6/2020 giảm 0,59% so với tháng 12/2019 và tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng lương thực tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,15%); mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%); mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao, lần lượt tăng 1,7% và 0,93% so với cùng kỳ năm 2019.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 - 2021  - Ảnh 2

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2020 như: giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 19,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,81%); giá gas trong nước giảm 3,63%; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết nguyên đán giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49% so với cùng kỳ năm 2019; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm; Chính phủ triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và tháng 6/2020 giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước; và một nguyên nhân nữa là các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và ổn định thị trường.

Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển trong năm 2019 đạt trên 202.184,39 tỷ đồng. Tốc độ tăng vốn đầu tư cao và nhanh qua các năm một mặt thể hiện quan hệ tích lũy - tiêu dùng đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, nhiều dự án đầu tư lớn của các khu vực kinh tế được đưa vào hoạt động, góp phần phát triển thị trường dịch vụ. Hoạt động thu hút vốn đầu tư hỗ trợ chính thức (ODA) đạt kết quả khá cùng với hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại được chú trọng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến hết quý II/2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 82.090,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 375,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 526 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, tăng 26,8%.

Thu - chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 đạt 1.414,3 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.146,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7%; thu từ dầu thô đạt 53,3 nghìn tỷ đồng, bằng 119,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 210,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,1%. 

Tổng chi NSNN ước tính đạt 1.316,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%; chi đầu tư phát triển là 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; chi trả nợ lãi là 99,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5%.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 - 2021  - Ảnh 3

Tính đến hết quý II/2020, tổng thu NSNN ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực DNNN đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% dự toán năm; thu từ DN FDI (không kể dầu thô) 86,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 92,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34%; thu thuế thu nhập cá nhân 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1%; thu thuế bảo vệ môi trường 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%; thu tiền sử dụng đất 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4%.

Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45%; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8%.

Nhìn chung, công tác thu thuế được quan tâm thường xuyên với nhiều nhóm biện pháp, giải pháp thích hợp nhằm tạo ra nhiều nguồn thu ổn định và lâu dài; Kết quả tình hình thu NSNN cơ bản đạt tiến độ thu so với dự toán, góp phần đảm bảo nguồn thu và đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của ngân sách quốc gia.

Lao động và việc làm

Trong năm 2019, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,7 triệu người, bao gồm 19 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 34,7% tổng số (giảm 3 điểm phần trăm so với năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 29,4% (tăng 2,7 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 35,9% (tăng 0,3 điểm phần trăm). Tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 1,98%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 1,51%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,26%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,67%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,57% (tỷ lệ thiếu việc làm của năm 2018 tương ứng là 1,40%; 0,65%; 1,78%). Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 54,6%. Tỷ lệ này tính riêng trong khu vực thành thị năm 2019 là 46,3% và trong khu vực nông thôn là 61,7% (năm 2018 tương ứng là 56,2%; 48,1%; 62,9%)...

Đến hết quý II/2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 51,8 triệu người, bao gồm 17 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 32,9% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16 triệu người, chiếm 30,9%; khu vực dịch vụ 18,8 triệu người, chiếm 36,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, bao gồm 17,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,2% tổng số (giảm 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,3 triệu người, chiếm 30,7% (tăng 1,1 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,1 triệu người, chiếm 36,1% (tăng 0,5 điểm phần trăm).

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước trong quý II/2020 năm 2020 ước tính là 2,26% (quý I/2020 là 2,02%; quý II/2020 là 2,51%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%; khu vực nông thôn là 1,59%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi trong 6 tháng ước tính là 2,47% (quý I/2020 là 2,22%; quý II/2020 là 2,73%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,82%; khu vực nông thôn là 1,77%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng ước tính là 7%, trong đó khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn là 5,5%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi tính chung 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,67%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,05% (tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng đầu năm 2019 tương ứng là 1,52%; 0,86%; 1,85%).

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021

Tính đến hết quý II/2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2014-2020, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản ước tăng 1,72%; khu vực dịch vụ giảm 1,76% so với cùng kỳ 2019. Hoạt động thương mại khá sôi động, giá cả thị trường tuy có biến động nhưng mức độ biến động không cao, chỉ số giá tiêu dùng quý II/2020, CPI giảm 1,87% so với quý I/2020 và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến nay, Việt Nam có 1.418 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đạt 15,7 tỷ USD. Hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ chính thức (ODA) đạt kết quả khá.

Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc là 950,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Đài Loan là 775,2 triệu USD, chiếm 9,2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 770,8 triệu USD, chiếm 9,1%; Hàn Quốc là 544,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Nhật Bản là 323,6 triệu USD, chiếm 3,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh là 137,5 triệu USD, chiếm 1,6%; Thái Lan là 134,6 triệu USD, chiếm 1,6%.

Kết quả này nhờ vào việc Việt Nam đã tập trung thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng để tiếp tục nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, quản lý qui hoạch, đô thị, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững; quan tâm giải quyết an sinh xã hội. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 còn phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố chính là tình hình kinh tế thế giới và sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước.

Sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước là cột mốc cơ bản đánh dấu sự thay đổi căn bản trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bởi vì, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ đang phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều sự thay đổi lớn như về cấu trúc nhân sự, về tư duy, tầm nhìn chiến lược hay cách tiếp cận và đã đuổi kịp với xu hướng biến động của tình hình kinh tế thế giới… Hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2020 và năm 2021 sẽ bừng sáng, tăng trưởng ổn định và vững chắc.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, niên giám thống kê qua các năm (http://www.gso.gov.vn);
2. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2020;
3. Phân tích về bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước của PGS.TS., Trần Đình Thiên - Viện kinh tế Việt Nam (http://www.vie.org.vn/)