UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Kiểm toán độc lập

Theo Chinhphu.vn

Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Kiểm toán độc lập, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Tờ trình dự án Luật Kiểm toán độc lập do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho thấy,  việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, khách quan do sẽ tạo được hành lang pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, đặt ra các quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của hoạt động kiểm toán độc lập và nhất trí cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập.

Cần thiết quy định giá trị kiểm toán 

Nhấn mạnh một số vấn đề cụ thể được quy định trong dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải làm rõ bản chất và sự khác nhau giữa kiểm toán độc lập với Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ. Vì vậy, việc quy định giá trị kiểm toán là cần thiết.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quy định rõ trong luật những nội dung không được phép loại trừ trong báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lưu ý.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý về tình trạng chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước và đề nghị bổ sung quy định về kết hợp chương trình kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập bắt buộc.

Đối với việc thành lập doanh nghiệp kiểm toán độc lập, nhiều ý kiến đồng tình với quy định cho phép tổ chức góp phần thành lập doanh nghiệp kiểm toán, đồng thời đề nghị làm rõ trường hợp doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ các cam kết thương mại hiện nay.

Đa số ý kiến nhất trí với quy định doanh nghiệp kiểm toán khi thành lập phải có ít nhất 5 kiểm toán viên đã có thời gian làm kiểm toán từ 3 năm trở lên. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự cho các doanh nghiệp kiểm toán của Việt Nam.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề. Nhiều ý kiến của Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, cần thiết phải có quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực của kiểm toán viên, hạn chế tình trạng móc ngoặc, thông đồng giữa kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp được kiểm toán.

 

Quy định chặt chẽ về chế tài xử phạt

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, chất lượng báo cáo kiểm toán còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên và báo cáo kiểm toán còn nhiều điều đáng nói. Vì thế, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng của kiểm toán độc lập bên cạnh Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ.

“Doanh nghiệp kiểm toán độc lập còn mục tiêu quan trọng là sống nhờ dịch vụ kiểm toán có thu phí của họ, nên cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc để phòng ngừa móc ngoặc, thông đồng giữa các bên dẫn đến báo cáo kiểm toán không trung thực”, ông Hiển khuyến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ, khó khăn nhất hiện nay là kiểm soát hoạt động của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán để có một báo cáo kiểm toán đáng tin cậy, trong khi đó các quy định của dự luật về các điều cấm của dự thảo luật chỉ mới dừng lại quy định mà chưa đưa ra được chế tài xử lý thỏa đáng.

“Vì thế, chúng tôi đã đề nghị thiết kế thêm một chương về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội”, ông Hiền nhấn mạnh.

Về mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị cần làm rõ, tránh các quy định chồng chéo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật.