Vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế bền vững

Bài viết được đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 5/2020

Thực tế phát triển kinh tế thị trường ở nhiều quốc gia cho thấy, tăng trưởng kinh tế mặc dù là cơ sở của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, song không phải khi nào nó cũng được thực hiện mang tính bền vững, gắn với thực hiện công bằng xã hội nếu như vai trò của Nhà nước không được phát huy.

Tăng trưởng kinh tế mặc dù là cơ sở của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế mặc dù là cơ sở của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm rõ vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững, tuy nhiên, bài viết tập trung nghiên cứu vai trò của Nhà nước theo các phương diện cơ bản sau: Vai trò của Nhà nước xây dựng chiến lược, chính sách, đề ra hệ thống pháp luật phát triển kinh tế bền vững; Nhà nước tổ chức, kiểm tra, giám sát thực hiện phát triển kinh tế bền vững và Nhà nước tập hợp mọi tầng lớp dân cư tham gia vào quá trình phát triển kinh tế bền vững.

Đặt vấn đề

Từ thập niên 1980, phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt từ khi đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu hướng phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đạt kết quả khả quan. Nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Các vấn đề xã hội như tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chính sách tiền lương, chính sách xóa đói giảm nghèo được quan tâm giải quyết… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Hàng loạt vấn đề nảy sinh từ phát triển kinh tế bền vững. Điều đó đòi hỏi cần phải huy động tổng thể các nhân tố phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững nhằm phát huy tích cực, khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Trong các nhân tố đó, việc phát huy vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế bền vững giữ vai trò quyết định.

Phát triển kinh tế bền vững cần đạt được một số yêu cầu cơ bản như: Giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm, thay đổi lối sống; thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp. Để giải quyết tốt các nội dung của phát triển kinh tế bền vững thì không một tổ chức nào có thể làm tốt hơn Nhà nước.

Nhằm làm rõ vai trò quan trọng của Nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững, bài viết nghiên cứu vai trò của Nhà nước theo các phương diện cơ bản sau: Vai trò của Nhà nước xây dựng chiến lược, chính sách, đề ra hệ thống pháp luật phát triển kinh tế bền vững; Nhà nước tổ chức, kiểm tra, giám sát thực hiện phát triển kinh tế bền vững và Nhà nước tập hợp mọi tầng lớp dân cư tham gia vào quá trình phát triển kinh tế bền vững…

Vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế bền vững

Trong hoạch định chiến lược, chính sách, pháp luật phát triển kinh tế bền vững                     

Nhà nước còn có vai trò trong việc đề ra hệ thống chiến lược và xây dựng hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế bền vững. Các chiến lược này sẽ được cụ thể hóa thông qua các chính sách phát triển kinh tế bền vững ở những mức độ nhất định, có thể từng giai đoạn, từng cấp, ngành, hay từng lĩnh vực cụ thể. 

Thực tế phát triển kinh tế thị trường ở nhiều quốc gia cho thấy, tăng trưởng kinh tế mặc dù là cơ sở của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, song không phải khi nào cũng được thực hiện mang tính bền vững, gắn với thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ môi trường nếu như vai trò của Nhà nước không được phát huy. Do vậy, vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững giữ vị trí không thể thay thế, mà vai trò đó được thể hiện tập trung nhất và trước hết ở việc Nhà nước hoạch định chiến lược, đề ra hệ thống chính sách, xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế bền vững.  

Các chính sách cơ bản mà Nhà nước cần xây dựng và tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững rất đa dạng, bao gồm: Chính sách về phát triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển khoa học và công nghệ; chính sách về xây dựng cơ cấu kinh tế cân đối và hợp lý…

Nhà nước còn có vai trò trong việc đề ra hệ thống chiến lược và xây dựng hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế bền vững. Các chiến lược này sẽ được cụ thể hóa thông qua các chính sách phát triển kinh tế bền vững ở những mức độ nhất định, có thể từng giai đoạn, từng cấp, ngành, hay từng lĩnh vực cụ thể. 

Trong tổ chức, thực hiện phát triển kinh tế bền vững

Vai trò tổ chức, thực hiện của Nhà nước được thể hiện ở một số phương diện cơ bản sau:

Thứ nhất, vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức bộ máy quản lý để phát triển kinh tế bền vững. Việc tổ chức bộ máy quản lý phát triển kinh tế bền vững và chỉ đạo bộ máy này hoạt động có hiệu quả sẽ tạo điều kiện để Nhà nước vừa tăng cường sức mạnh, vừa đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chiến lược về phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, phải tinh gọn, trong sạch, có quyền lực thật sự vững mạnh để thực thi tốt nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra.

Kinh nghiệm về phát triển bền vững của nhiều nước cho thấy, nếu Nhà nước phân công rõ chức năng, nhiệm vụ đối với từng bộ phận quản lý nhà nước sẽ tránh được sự chồng chéo giữa các bộ phận, các cấp với nhau; triệt tiêu việc tranh giành quyền lực, bệnh thành tích; sự thờ ơ, né tránh hoặc không nhận trách nhiệm về mình. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng bộ phận, từng cấp, đảm bảo cho cả bộ máy hoạt động tốt và đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, vai trò của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách để phát triển kinh tế bền vững: Việc Nhà nước tiến hành thành lập bộ máy chuyên trách quản lý việc phát triển kinh tế bền vững ở các cấp là rất cần thiết. Song, để duy trì sự hoạt động có hiệu quả của bộ máy đó thì việc Nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý phát triển kinh tế bền vững là vấn đề cần quan tâm, có tác động nhất định đến sự thành công hay thất bại trong hiệu lực quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững. Do đó, Nhà nước phải tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về năng lực và phẩm chất mới đáp ứng được công việc đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững. 

Thứ ba, vai trò của Nhà nước trong việc huy động các nguồn lực vật chất để phát triển kinh tế bền vững: Trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững, nguồn lực vật chất giữ một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ là nhân tố thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế của mọi quốc gia, mà còn là tiền đề vật chất để bảo đảm cho thực hiện công bằng xã hội, công tác bảo vệ môi trường được thực thi có hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cần một nguồn lực vật chất đầu tư rất lớn, không có tổ chức hay cá nhân nào có thể cung ứng được mà nhiệm vụ này phải thuộc về Nhà nước. Chỉ có Nhà nước mới có đầy đủ quyền hạn và chức năng thu các khoản thuế, phí từ các hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các mục tiêu xã hội cũng như đầu tư cho các lĩnh vực xã hội cũng như công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ Nhà nước mới có đủ tư cách pháp nhân huy động, tiếp nhận, phân phối hiệu quả, cung ứng đầy đủ, kịp thời các nguồn vốn vay, vốn viện trợ... để phục vụ cho công tác phát triển kinh tế bền vững.

Trong kiểm tra, giám sát phát triển kinh tế bền vững

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát được coi là khâu không thể thiếu nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế bền vững. Nhà nước cần phải thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tăng trưởng kinh tế, việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường xuất phát từ các yêu cầu sau:

Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra, giám sát là một khâu trong chu trình quản lý nhà nước về phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột cơ bản của phát triển bền vững. Qua đó, Nhà nước nắm được tình hình thực hiện phát triển kinh tế bền vững của quốc gia, so sánh với các tiêu chí phát triển kinh tế bền vững của thế giới, từ đó, kịp thời điều chỉnh hoặc xây dựng mới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, đồng thời vừa phù hợp với các tiêu chí quốc tế.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về phát triển kinh tế bền vững. Một mặt, Nhà nước cần tiến hành phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan tránh chồng chéo trên cơ sở giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất. Mặt khác, Nhà nước cần quy định rõ chức năng, phạm vi, thẩm quyền giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành, giữa cơ quan thường trực và cơ quan phối hợp, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác quản lý phát triển kinh tế bền vững.

Thứ ba, hoạt động thanh tra còn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về phát triển kinh tế bền vững. Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng mà các chủ thể kinh tế muốn đạt được, vì thế, họ sẵn sàng hy sinh mục tiêu xã hội và sinh thái. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều chủ thể kinh tế còn tìm mọi cách đối phó với các cơ quan pháp luật bằng nhiều cách khác nhau để đạt mục đích kinh tế.

Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về phát triển kinh tế bền vững, một mặt, giúp phòng ngừa, phát hiện những kẽ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; mặt khác, thông qua hoạt động này Nhà nước kịp thời phát hiện các hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham nhũng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước... để từ đó có những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động phát triển kinh tế bền vững trở thành phương thức đảm bảo pháp chế, tăng cường kỷ luật nhà nước, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước, phòng ngừa và đẩy lùi những rủi ro trong tăng trưởng kinh tế, khắc phục sự bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, các tầng lớp dân cư trong phát triển hay nguy cơ ô nhiễm môi trường do tăng trưởng kinh tế gây ra, do vậy, Nhà nước phải có những biện pháp cần thiết để thực hiện tốt công tác này.

Tạo ra sự đồng thuận xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của cá nhân để thực hiện phát triển kinh tế bền vững

Phát triển kinh tế bền vững sẽ đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Điều này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân trong xã hội phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình này. Hoạt động này cần được xem là nét văn hóa, đạo đức của con người trong xã hội văn minh. Yêu cầu đặt ra là con người cần có nhận thức, thái độ và hành động đúng đắn trong quá trình phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Với tư cách là những hệ giá trị cơ bản của xã hội, đồng thuận xã hội sẽ tạo ra nền tảng văn hóa trong phát triển kinh tế bền vững, tạo nên sức mạnh của sự liên kết và hợp tác giữa các cá nhân, cộng đồng dựa trên nguyên lý công bằng về lợi ích, từ đó có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh việc tạo ra sự đồng thuận xã hội, Nhà nước cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các cá nhân trong phát triển kinh tế bền vững. Đồng thuận và tự giác là biểu hiện cao nhất của sự chung sống. Nếu không có đồng thuận và tự giác thì không có sự cùng nhau gánh vác trách nhiệm và không thể có sự ổn định, phát triển lâu bền. Tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội cá nhân trong phát triển kinh tế bền vững phải được thể hiện ngay trong tư duy, nhận thức của các nhà lãnh đạo và nhất thiết phải được thể hiện trong hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX (10/4/2006) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010;
2. Tầm quan trọng của quản trị quốc gia VI: Các chỉ số thành phần và tổng hợp về quản trị quốc gia 1996-2006”, Tài liệu nghiên cứu số 4280 của Nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới, tháng 7/2007;
3. APD (2015), Vai trò của Nhà nước trong xây dựng hệ thống tài chính Việt Nam, Tài liệu nền tảng về vai trò của Nhà nước trong phát triển nền kinh tế Việt Nam;
4. Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Tú Anh, Đinh Tuấn Minh, Lê Hương Linh (2015), Xây dựng một thể chế Nhà nước được thị trường hỗ trợ;
5. Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh, Báo cáo phát triển kinh tế thị trường Việt Nam năm 2014, NXB Tri thức.