Vi phạm trong tạm nhập tái xuất và giải pháp hạn chế

PV

TCTC Online - Tổng cục Hải quan cũng vừa công bố danh sách 9 trong 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu “tạm nhập nhiều nhưng tái xuất ít”; hàng nghìn container chứa hàng cấm nhập từ nhiều nước; hơn 100 lô giả mạo chữ ký, con dấu hải quan; 600 container đi không đúng tuyến đường... Đây là những con số rất đáng lo ngại và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Những con số đáng lo ngại

Theo Tổng cục Hải quan, kết quả bước đầu, cơ quan Hải quan đã thống kê được đến giữa năm 2012, tại khu vực cảng Hải Phòng còn 7.060 container quá hạn làm thủ tục hải quan, trong đó chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Từ tháng 6/2012 đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng tiến hành kiểm tra 277 container, đã phát hiện 195 container hàng cấm, hàng đông lạnh gồm nội tạng bò, gà… không được tái xuất theo đúng quy định. Đây mới là con số nhỏ khi tiến hành kiểm tra bị phát hiện, tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra hết hơn 7.000 container thì chắc chắn lượng hàng vi phạm sẽ còn lớn hơn nhiều.

Một con số nữa cũng rất đáng lo ngại đó là, tính đến ngày 4/9/2012, trong số 13 DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối thì có tới 9 DN còn nợ thuế quá hạn, với tổng số thuế gần 300 tỷ đồng, trong đó hơn 200 tỷ đồng nợ thuế là của loại hình tạm nhập tái xuất. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nêu rõ: “Theo quy định, hàng hóa tạm nhập- tái xuất được lưu ở Việt Nam 120 ngày và được 2 lần gia hạn, mỗi lần là 30 ngày, thêm 15 ngày tờ khai còn giá trị hiệu lực, như vậy hàng hóa tạm nhập được lưu tổng cộng là 195 ngày. Khi xăng dầu tạm nhập vào Việt Nam lưu ở các DN thì hầu hết 13 DN đầu mối đều đổ chung xăng tạm nhập- tái xuất và xăng kinh doanh vào một bể, điều đó rất khó cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan. Ranh giới để có đủ chứng cứ và tài liệu chứng minh là DN buôn lậu rất khó…”.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2010 đến nay, hoạt động tạm nhập – tái xuất hàng hóa tại một số cảng Việt Nam diễn ra phức tạp. Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, thì các mặt hàng đông lạnh, hàng thiết bị văn phòng cũ, hàng nhựa phế liệu... cũng thường xuyên “tạm nhập nhiều nhưng tái xuất ít”. Qua khám xét 280 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan thì có tới 139 container là nhựa phế liệu, ắc quy chì đã qua sử dụng. Hàng chục tấn nội tạng như lòng bò, gà, dạ dày... đã quá hạn sử dụng không được tái xuất ra khỏi Việt Nam.

Để đạt được lợi nhuận, DN dùng đủ mánh khóe để tiêu thụ hàng tạm nhập tại thị trường nội địa. Chẳng hạn, gần 310 tấn đường tinh luyện Hàn Quốc được Công ty Cổ phân thương mại Hải Thịnh Hưng (Hải Phòng) khai tạm nhập, nhưng tái xuất là hàng bột khoai tây... Do đường kính là mặt hàng có thuế suất cao nên cũng là mặt hàng được các DN “tạm nhập khá nhiều nhưng tái xuất ít”, khi bị phát hiện sai phạm, nhiều DN sắn sàng “bỏ của chạy lấy người” nên gây khó cho cơ quan hải quan xác định chủ hàng và xử lý. Tính đến tháng 4/2012, tại Cảng Hải Phòng có 250 container đường kính tạm nhập đã quá thời hạn lưu trú tại Việt Nam mà chưa rõ chủ nhân, cơ quan hải quan đang phải truy tìm để xử lý. Bên cạnh đó, để thực hiện hành vi thẩm lậu hàng tạm nhập - tái xuất vào tiêu thụ nội địa không ít DN đã có hành vi giả mạo con dấu, chữ ký của công chức, cơ quan hải quan làm hồ sơ giả cho nhiều lô hàng tạm nhập, tái xuất đã được DN chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thoát một khoản tiến thuế không nhỏ từ hình thức kinh doanh này. Theo Tổng cục phó Nguyễn Văn Cẩn, cơ quan hải quan đã phát hiện có hơn 100 bộ hồ sơ DN đã làm giả chữ ký của cán bộ hải quan để chứng minh hàng đã “tái xuất”, còn 21 bộ hồ sơ đang chờ kết quả.

Giải pháp hạn chế vi phạm

Trước những diễn biến phực tạp của loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất, thời gian qua, Tổng cục Hải quan cho biết, đang quyết liệt làm rõ sai phạm của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và thông tin cụ thể về lượng xăng dầu tạm nhập về nhưng không tái xuất của từng DN trong thời gian qua; cùng với đó, đẩy mạnh xử lý vi phạm các DN thực hiện tạm nhập – tái xuất đối với các mặt hàng khác. Mặt khác, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất như: yêu cầu DN đi đúng tuyến đường, đúng cửa khẩu, không được đi qua đường mòn, lối mở (khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép), thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa 100% đối với các lô hàng nghi vấn…

Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị Chính phủ cần chấm dứt ngay đối với tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu bằng đường biển; cấm tạm nhập tái xuất các mặt hàng có rủi ro cao, DN thực hiện tạm nhập tái xuất phải có điều kiện về vốn, kho bãi, nhân lực; thời hạn lưu trú giảm từ 180 ngày xuống còn không quá 30 ngày trong đó quy định rõ tuyến đường vận chuyển, các loại kho bãi ở 2 đầu cửa khẩu... Mặt khác, các quy định về thủ tục tạm nhập tái xuất cũng cần thay đổi. Theo thông lệ quốc tế, hoạt động này phải thực hiện theo 2 hợp đồng là hợp đồng tạm nhập và hợp đồng tái xuất. Nhưng quy định hiện nay chỉ cần có một hợp đồng tạm nhập mà không có hợp đồng tái xuất. Bên cạnh đó, quy định thời gian trong vòng 180 ngày cũng là một kẽ hở trong chính sách.

Dưới góc độ thực tế từ địa phương, theo ông Hoàng Khánh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế vi phạm trong tạm nhập – tái xuất: Các đơn vị Hải quan cửa khẩu thực hiện đúng, chặt chẽ quy trình giám sát đối với loại hình này; Phải chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn thì có thông tin kịp thời đối với 1 lô hàng tạm nhập - tái xuất thì sẽ tránh được các lô hàng đó lợi dụng để mà tuồn hàng vào trong nội địa hoặc đi theo các đường mòn lối tắt; Tăng cường công tác thu thập quản lý rủi ro tức là thông tin tình báo, thông tin từ cơ sở thông tin từ quần chúng vì tăng cường được công tác này chúng ta cũng sẽ có được thông tin chính xác các mặt hàng này được giấu diếm trong các mặt hàng có khai báo; Thường xuyên trao đổi và phối hợp giữa các chi cục hải quan địa phương trong quá trình làm thủ tục để mà ngăn chặn. Thì với những giải pháp trước mắt như thế thì tôi nghĩ cũng sẽ ngăn chặn được.

Tổng cục Hải quan cho biết hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục hải quan tồn đọng tại cảng biển Việt Nam diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ biến cảng biển thành nơi chứa hàng lậu, rác thải. Chính vì vậy, giữa tháng 9, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện khóa cửa biên giới 1 ngày để truy lùng hàng tạm nhập không tái xuất. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng đề xuất Bộ Công Thương đưa xăng dầu vào nhóm hàng hóa tiêu dùng để mặt hàng này phải thực hiện nộp thuế ngay khi làm thủ tục hải quan vì hiện xăng dầu không thuộc nhóm hàng tiêu dùng nên không phải nộp thuế ngay khi làm thủ tục hải quan. Hiện nay, hàng trăm doanh nghiệp đang vào “tầm ngắm” của Tổng cục Hải quan vì giả mạo chữ ký, con dấu của hải quan để thông quan hàng hóa, bị phát hiện khi trưng cầu giám định mẫu chữ ký tại Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an. Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện khóa cửa biên giới 1 ngày để truy lùng hàng tạm nhập không tái xuất…

- Từ ngày 1/01/2009 đến ngày 31/6/2012, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tạm nhập 1.900,7 nghìn tấn xăng dầu với trị giá 1.436,8 triệu USD. Trong khi đó, lượng tái xuất là 1.675,9 nghìn tấn, trị giá 1.349,8 triệu USD. Tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam - Công ty TNHH MTV, tạm nhập là 549,6 nghìn tấn, trị giá 394,6 triệu USD, tái xuất 180,5 nghìn tấn, trị giá 137,9 triệu USD. Tại Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, lượng tạm nhập là 981,1 nghìn tấn, trị giá 794,1 triệu USD, tái xuất 828 nghìn tấn, trị giá 703,6 triệu USD…