Vị thế ASEAN hướng tới Hội nghị cấp cao G20 Seoul

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc, ngày 20/8/2010, tại trụ sở Bộ Tài chính đã diễn ra Hội thảo “Vị thế ASEAN hướng tới Hội nghị cấp cao G20 Seoul” do Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà và Thứ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Je – Yoon Shin đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Hàn Quốc là nước chủ trì đương nhiệm G20 năm 2010 và là nước chủ nhà Hội nghị cấp cao G20 sẽ được tổ chức tại Seoul tháng 11/2010, Việt Nam là chủ tịch đương nhiệm ASEAN năm 2010 đã đại diện cho ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao G20 tại Toronto, Canada tháng 6/2010 và dự kiến sẽ tham dự Hội nghị cấp cao G20 tháng 11 tại Seoul, Hàn Quốc.

Đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi các ý kiến, quan điểm về các vấn đề thảo luận cùng quan tâm trong khuôn khổ G20 không chỉ với tư cách đối thoại song phương, mà còn với tư cách đối thoại giữa G20 và ASEAN.

Thay mặt phía Hàn Quốc, tiến sĩ Junkyu Lee, cố vấn cao cấp của Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc đã có bài trình bày về tổng quan G20 và các nội dung dự kiến thảo luận tại Hội nghị cấp cao G20 Seoul. Bên cạnh những nội dung chính đã được thảo luận từ các Hội nghị cấp cao G20 trước như Khung khổ tăng trưởng mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng, Cải cách khu vực tài chính, Cải cách các tổ chức tài chính quốc tế, Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Seoul hai nội dung mới là đề xuất về Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và đề xuất về vấn đề phát triển.

Đề xuất về Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu có thể hiểu như một cơ chế hỗ trợ đa phương với các hình thức trợ giúp khẩn cấp đối với các nước gặp khó khăn về tài chính (như mất thanh khoản, giảm dự trữ hoặc khủng hoảng nợ… ) do tác động của các cú sốc bên ngoài.

Trước mắt có thể thành lập các cơ chế hợp tác ở phạm vi khu vực, hoặc các thoả thuận song phương về hỗ trợ an toàn tài chính. Hiện G20 đã thành lập nhóm chuyên gia về mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu nhằm nghiên cứu các đề xuất chính sách và sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu lên Hội nghị cấp cao G20 Seoul. Đề xuất về vấn đề phát triển tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước nghèo, tăng cường hợp tác Nam - Nam và quan hệ đối tác công - tư.

Giải quyết các vấn đề phát triển sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện Khung khổ tăng trưởng mạnh mẽ, Bền vững và Cân bằng của G20, đặc biệt là mục tiêu tái cân bằng toàn cầu, giảm khoảng cách phát triển giữa các nước giàu và các nước nghèo. Hiện G20 cũng đã thành lập nhóm công tác về phát triển để nghiên cứu các vấn đề này, và dự kiến sẽ trình lên các nguyên thủ thông qua chương trình phát triển và kế hoạch hành động nhiều năm tại Hội nghị cấp cao G20 Seoul.

Bên cạnh các vấn đề của G20, Hội thảo cũng thảo luận về vai trò của ASEAN tham gia trong G20. Cho đến nay, đại diện của ASEAN đã tham dự hai Hội nghị cấp cao G20, trong đó Việt Nam thay mặt cho ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao G20 Toronto, Canada tháng 6/2010. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp cấp cao và bản tài liệu quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề của G20 do Việt Nam công bố tại Hội nghị đã được đánh giá cao, thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong diễn đàn G20.

Hàn Quốc đánh giá cao Việt Nam với vai trò chủ trì ASEAN năm 2010 tham gia vào tiến trình G20 và hứa sẽ sớm có đề nghị chính thức về việc Việt Nam với tư cách đại diện cho ASEAN tham gia vào các hội nghị của G20 trong năm 2010. Hội thảo nhất trí rằng, ASEAN cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong tiến trình G20 để tương xứng với vai trò là một trong những khu vực năng động nhất trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc. Hội thảo là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai Bộ, không chỉ trong khuôn khổ các nội dung song phương mà còn bao gồm cả các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đại diện hai Bộ cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bộ phát triển hơn nữa trong thời gian tới