Việt Nam đang hấp dẫn giới đầu tư

P.V (Tổng hợp)

TCTC Online - Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Thành phố Hồi Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, chuyên gia quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Tại đây, hầu hết họ đều có chung nhận định về môi trường kinh doanh Việt Nam đã có sự cài thiện mạnh mẽ và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư quốc tế…

Ông Andrei L. Kostin, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Ngân hàng VTB Bank (Nga): TP.HCM có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính thế giới

Nếu như 10 - 12 năm trước, châu Á chỉ là nơi vốn chủ yếu nhập khẩu, thì nay đã thành nhà xuất khẩu tư bản ra bên ngoài. Sự phản ứng của các quốc gia khu vực này sau khủng hoảng vừa qua cũng hết sức tích cực. Ngoài đồng USD và euro dùng trong thanh toán thương mại, châu Á cũng nên tính đến việc có một đồng tiền chung để dự trữ và thanh toán.

Tuy nhiên, việc làm này cũng không dễ dàng, vì còn dựa vào sự hội nhập và quan hệ song phương của các quốc gia châu Á. Hội nhập của các quốc gia châu Á cũng cần nhiều việc phải làm hơn khu vực châu Âu, bởi các quốc gia châu Á chưa có sự phát triển đồng đều, do đó cần phải có thêm thời gian. Tôi cũng cho rằng, nhiều thành phố ở châu Á sẽ trở thành trung tâm tài chính của thế giới và TP.HCM của Việt Nam cũng nằm trong số này.

Ông Alain Cany, chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư

Kinh tế của Việt Nam 10 năm qua là ngoạn mục và tiềm năng phát triển to lớn. Tuy nhiên, để viết tiếp trang mới cho sự phát triển, thời điểm này Việt Nam cần đưa ra những quyết định mang tính cách mạng. Việt Nam phải quyết liệt hơn trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Lấy ví dụ ngành viễn thông, dù đang phát triển tốt ở Việt Nam, nhưng đây là lĩnh vực phát triển nhanh về công nghệ nên chần chừ trong việc cổ phần hóa sẽ làm mất cơ hội đầu tư, phát triển trong bối cảnh thế giới phát triển như vũ bão. Việt Nam cần thiết phải thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, bởi qua rồi giai đoạn thu hút chỉ để giải quyết việc làm.

Điều này được minh chứng trong báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam là không thấy nhiều bằng chứng về tác dụng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phần còn lại của nền kinh tế trong việc nâng cao năng suất và trình độ công nghệ. Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu nhờ yếu tố chi phí nhân công thấp. Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, Chính phủ cần biết cách gửi các thông điệp đúng thông qua việc tiếp tục thực hiện WTO như đã cam kết.

Điều quan trọng là không chỉ tận dụng giá lao động cạnh tranh mà cũng phải có chính sách hợp lý để phát triển chuỗi cung ứng nội địa để tăng thêm giá trị cộng thêm cho các sản phẩm Việt Nam. Nếu Chính phủ giải quyết tốt những vấn đề nêu trên thì nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm và chọn Việt Nam.
Ông Frans W. Muller, thành viên HĐQT, Tập đoàn Metro (Đức): Việt Nam là động lực tăng trưởng của Metro

Đông Á sẽ là đối tác và là động lực kinh tế, với sự tăng trưởng dân số, kéo theo tăng trưởng về tiêu dùng, sẽ tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Khả năng tái sản xuất của châu Á cũng lớn hơn nhiều, cộng với đó là mô hình thành công về kinh tế của Trung Quốc, châu Á.

Trụ sở chính của chúng tôi hiện đặt tại Tây Âu, nhưng tôi cho rằng những nền kinh tế thuộc khu vực này đang bị thu hẹp lại. Trong khi đó, năm 2009, tăng trưởng của chúng tôi tại châu Á đạt hai con số. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 5% sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư. Hiện tại Metro đã có 9 siêu thị tại Việt Nam, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 4 siêu thị nữa. Tôi cho rằng châu Á sẽ quyết định sự tăng trưởng của chúng tôi trong thời gian tới.

Ông Hemant M. Nerurkar Tổng giám đốc Tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ): Chúng tôi muốn thực hiện những dự án lớn tại Việt Nam

Là một quốc gia thuộc châu Á, sự hợp tác của Ấn Độ đang trải rộng ra toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng. Với riêng tập đoàn Tata, trên cương vị chủ tịch, tôi rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Dự án trước mắt của Tata tại Việt Nam là nhà máy thép đặt tại Hà Tĩnh có vốn đầu tư 5 tỷ USD, được chia làm ba giai đoạn. Chúng tôi cũng đã tính tới việc thành lập một nhà máy sản xuất xe hơi, xa hơn nữa là với mức phát triển như hiện tại của Việt Nam, dự án đầu tư xây dựng một đô thị hiện đại tại nơi đây cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn gặp không ít trở ngại tại Việt Nam, cụ thể là với dự án thép. Dự án này chúng tôi đã bắt tay làm từ năm 2008, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lý do là các chính sách chưa nhất quán từ phía địa phương mà chúng tôi đặt nhà máy. Nhưng chúng tôi xin khẳng định rằng sẽ vẫn tiếp tục triển khai dự án. Bởi đây là dự án đầu tiên và có quy mô lớn của chúng tôi tại Việt Nam.