Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN về phát triển Chính phủ điện tử

PV.

Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) vừa được Liên hợp quốc công bố, trong 5 năm qua, qua 3 kỳ đánh giá, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 11 bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao.

Trong 5 năm qua, qua 3 kỳ đánh giá, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 11 bậc. Nguồn: Internet
Trong 5 năm qua, qua 3 kỳ đánh giá, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 11 bậc. Nguồn: Internet

Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được Liên hợp quốc thực hiện 2 năm một lần, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của tổ chức mình một cách tương đối thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được trong 3 nhóm chỉ số thành phần, bao gồm: Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và Chỉ số nguồn lực (HCI).

Theo đó, qua 3 kỳ đánh giá gần đây vào các năm 2014, 2016 và 2018, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018, đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (2016) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 88/193 quốc gia trong năm 2018.

Tính riêng năm 2018, Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) của Việt Nam đã tăng đáng kể, 15 bậc so với xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2016 (59/193 quốc gia); Chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 3 kỳ báo cáo gần nhất, nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới (xếp hạng 100/193 quốc gia).

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 trong khu vực ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Trong năm 2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, Chính phủ đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử trong tháng 01/2019 do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh làm Trưởng ban; Khẩn trương xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, chính thức gửi, nhận văn bản điện tử; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mới đây, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2019, Chính phủ đã đề ra mục tiêu năm 2020 nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc. Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử.

Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ các mục tiêu: Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh-EoDB (của Ngân hàng thế giới) lên 15 - 20 bậc, trong năm 2019 tăng 5-7 bậc; Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh-GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới) tăng 5-10 bậc, trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo-GII (của Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ thế giới) lên 5-7 bậc, trong năm 2019 tăng từ 2-3 bậc; Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của Ngân hàng thế giới) lên 5-10 bậc; Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của Diễn đàn kinh tế thế giới) lên 10-15 bậc, trong năm 2019 tăng 7-10 bậc; và nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) lên 10-15 bậc năm 2020.

Cũng tại Nghị quyết 02, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup).