Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn đối với nền kinh tế nước ta, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức phải vượt qua. Bài viết phân tích một số đặc điểm nổi bật của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và kiến nghị giải pháp nhằm tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng mang lại.
Vai trò của các FTA thế hệ mới
Thuật ngữ “Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA có những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như: Các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% theo lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ, bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp (DN) nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư… Hiện nay, Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và EVFTA.
Với yêu cầu cao và tính toàn diện, các FTA thế hệ mới có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tự do thương mại cả về mặt lượng và chất, thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Một là, các FTA thế hệ mới đang là giải pháp có tính khả thi để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và tiêu chuẩn lao động, vốn chưa được quy định trong các hiệp định hiện tại của Tổ chức Thương mại thế giới. Khi một FTA được ký kết, sẽ có những tác động đến lợi ích các quốc gia, làm thay đổi chính sách của các quốc gia là thành viên cũng như những quốc gia không là thành viên của một FTA nào đó.
Hai là, bên cạnh vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập và liên kết kinh tế, các FTA thế hệ mới có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuẩn mực tự do hóa thương mại. Vai trò chung của các FTA là thúc đẩy thương mại, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu qua kênh đa phương đang gặp khó khăn.
Ngày nay, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các quan hệ thương mại.
Ba là, tham gia các FTA thế hệ mới mở ra không gian phát triển mới với các quốc gia thành viên. Với các FTA thế hệ mới, không gian phát triển của các quốc gia có sự thay đổi về chất, các cơ hội phát triển được mởra cả về chiều rộng và chiều sâu. Do vậy, các quốc gia thành viên có nhiều lựa chọn trong không gian phát triển mới. Đây chính là cơ hội cho khởi nghiệp, cho phát triển sáng tạo ở các lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các thành viên đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tầm nhìn và không gian sản xuất của các DN, cũng như chiến lược phát triển của các quốc gia trong điều kiện thực thi các FTA, nhất là FTA thế hệ mới không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng quốc gia. Chính không gian phát triển mới cũng đặt ra yêu cầu mới trong tư duy, định hình chiến lược phát triển quốc gia mới phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới.
Bốn là, việc triển khai ký kết, thực hiện các FTA thế hệ mới một cách hiệu quả sẽ góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao vị thế đối với các quốc gia thành viên. Tăng cường liên kết giữa các nước thành viên với nhau là giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống những cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc khủng hoảng cơ cấu, bảo đảm an ninh kinh tế, bền vững trong tăng trưởng.
Tham gia các FTA thế hệ mới, thông qua liên kết khu vực, vị thế các nước nhỏ cũng được cải thiện thông qua vị thế chung của khối. Mặt khác, việc hình thành các FTA có chuẩn mực cao, được dẫn dắt bởi những nền kinh tế lớn, cũng là cơ hội để các nước thành viên khẳng định vai trò trong xây dựng và thiết lập trật tự khu vực, ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển, cạnh tranh vị thế nước lớn trên trường quốc tế.
Với vai trò như trên, việc ký kết, triển khai các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức với các quốc gia thành viên. Đó là những cơ hội và thách thức xung quanh việc mở rộng thị trường thương mại, đầu tư, lao động... đi liền với cạnh tranh gia tăng; đó là cơ hội và thách thức trong việc nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống quản trị quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế, môi trường kinh doanh... Các cơ hội và thách thức đan xen và chuyển hóa nhau, chúng phụ thuộc vào trình độ phát triển, sự năng động và chủ động hội nhập trong tham gia các FTA của các quốc gia thành viên.
Việt Nam phải cải cách những gì?
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA). Hiệp định EVFTA là một trong những FTA lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi. Hiệp định sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn, đó là thị trường EU. EU là một trong những nền kinh tế “mở” nhất trên thế giới. Đây cũng là thị trường lớn nhất thế giới với dân số khoảng 513 triệu người, theo ước tính của Eurostat. Với EVFTA, hơn 99% các loại thuế quan sẽ được gỡ bỏ, trong đó EU loại bỏ thuế đối với hàng nghìn mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam. Việc gỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên hơn nữa. Sự gia tăng thương mại này được dự báo là sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
EVFTA không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới. Trong đó, tăng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh hơn tăng về nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU. Đối với thế giới đang ngày càng hội nhập và thúc đẩy tự do hóa thương mại, chúng ta tham gia được vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cao hơn sẽ tạo được chất lượng cao hơn cho nền kinh tế. Đồng thời, với việc ký kết EVFTA, nếu tính cộng hưởng lại, chúng ta vừa tăng cường hội nhập, vừa tranh thủ được thị trường phát triển kinh tế cũng tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.
Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là phải nhanh chóng cải thiện quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng trong một loạt ngành nghề để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan của EVFTA. Trường hợp xảy ra gần đây trong ngành Thủy sản của Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 tại Đông Nam Á và số 2 ở châu Á. Tuy nhiên, vào tháng 10/2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Sự việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặc dù, Chính phủ, cộng đồng ngư dân, DN thủy sản đã có những nỗ lực hành động để giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp, tuy nhiên, do Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km (không kể các đảo) với khoảng 111.000 tàu cá, hầu hết là tàu nhỏ, để giải quyết triệt để vấn đề khai thác hải sản trái phép cần một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức.
Ngành thứ hai cần quan tâm là ngành Dệt may. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành Dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD vào năm 2018. Việc gia nhập EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào EU.
Mặc dù vậy, trong một vài năm đầu, ngành Dệt may có thể gặp một số bất lợi nhất định do trong thời gian chờ thuế giảm về 0% theo lộ trình của EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không còn được hưởng mức thuế 9% của Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập. Đây là mức ưu đãi mà EU đơn phương dành cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ một số nước thuộc nhóm đang/kém phát triển theo các tiêu chí mà EU quyết định. Thay vào đó, ngành này sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ thuế nhập khẩu ưu đãi mà EU đang áp dụng - hiện đang ở mức khoảng 12%, theo số liệu từ báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về ngành Dệt may ở Việt Nam.
Hiệp định EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhưng phần lớn các DN ở Việt Nam hiện vẫn đang thực hiện công đoạn may cắt, chưa sản xuất nguyên liệu (vải và sợi). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị nguyên liệu đầu vào trong ngành Dệt may chiếm khoảng 67,1%, và đa phần nguồn nguyên liệu này được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan – là những nước chưa ký hiệp định FTA với EU – nên sẽ không được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của EVFTA.
Hơn nữa, sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu cũng sẽ là thách thức lớn đối với các DN trong ngành Dệt may khi phải đối mặt với những biến động giá cả của nguồn hàng nhập khẩu này. Do đó, các DN sản xuất hàng dệt may và công nghiệp phụ trợ ngành Dệt may cần nỗ lực phối hợp tốt hơn để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cho các DN may – cắt, tập trung vào nhuộm và sản xuất vải, cũng như đẩy mạnh năng lực sản xuất của các công ty dệt trong nước, đặc biệt là các công ty sản xuất quần áo.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Văn Hà, Vai trò của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thương mại quốc tế, Tạp chí Cộng sản;
2. Nguyễn Đình Cung, Trần Toàn Thắng, Hiệp định thương mại tự do Vietnam – EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam, Ciem, 2017;
3. Mutrap (2010, 2011), “Đánh giá tác động của FTA đối với nền kinh tế Việt Nam”;
4. Paul Baker, David Vanze, Phạm Thị Lan Hương, Đánh giá tác động dài hạn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Mutrap, 2014.