Việt Nam và cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall

Theo ĐTCK

"Việt Nam và cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall" là tiêu đề Bản phân tích gần 30 trang của 2 tác giả: TS. Nguyễn Trọng Nghĩa và TS. Quách Mạnh Hào.

Bản phân tích cung cấp một cái nhìn toàn diện về diễn biến và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Các tác giả cũng đặt ra nhiều câu hỏi mà độc giả quan tâm, cùng với những diễn giải đa chiều về tác động của cuộc khủng hoảng phố Wall đến hệ thống ngân hàng, chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam. Dưới đây là một số nội dung chính của Bản phân tích này.

Đâu là nguyên nhân thật sự của cuộc khủng hoảng?

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ nổ ra, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều nguyên nhân để giải thích, trong đó một số nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là:

- Sự thay thế Đạo luật bức tường lửa Glass-Steagall bởi Đạo luật Glamm-Leach-Bliley, cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm như nghiệp vụ chứng khoán hóa và bán các khoản vay bất động sản (BĐS) khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS dưới chuẩn, nhằm thu về những khoản lợi lớn.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn nắm giữ một lượng khá lớn các khoản chứng khoán phái sinh này, một phần do không bán được, một phần do mua của ngân hàng khác nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các ngân hàng cho vay BĐS thua lỗ khi thị trường BĐS bị vỡ bong bóng và nhiều khoản cho vay không thu hồi được, cộng với các khoản chứng khoán BĐS bị giảm giá không phanh.

- Chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách "nhà cho người có thu nhập thấp" của Chính phủ Mỹ với lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tín dụng BĐS đã có sự tăng trưởng mạnh, trong đó có một phần lớn là tín dụng dưới chuẩn.

- Thị trường BĐS bị giảm giá. Giá BĐS Mỹ tăng cao, vượt qua cả 5 nước có khủng hoảng lớn nhất tính vào năm 2006, gây ra các khoản nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng, trong đó phần lớn là BĐS dưới chuẩn.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đòn bẩy tài chính mới là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này. Đòn bẩy tài chính là quá trình công ty sử dụng vốn vay để tài trợ cho tăng trưởng tài sản, được tính bằng tỷ lệ tổng tài sản trên vốn chủ sở hữu.

Ở các ngân hàng thương mại, tỷ lệ này thường bị khống chế ở mức 12x, nhưng ở các ngân hàng đầu tư, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều và thường trên 20x. Từ năm 1975, các ngân hàng đầu tư không được phép có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn 15x. Tuy nhiên, từ năm 2004, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã bãi bỏ quy định này đối với 5 "đại gia" phố Wall (Goldman Sachs, Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearns và Morgan Stanley).

Theo tính toán của chúng tôi, tính đến đầu năm 2008, cả 5 ngân hàng này đều có tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất cao, xấp xỉ hoặc hơn 30x. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi 2 "đại gia" BĐS Freddie Mac và Fannie Mae với đòn bẩy tài chính hơn 60x là những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng.

Đòn bẩy tài chính quá cao là nguyên nhân chính cho sự ra đi của Bear Stearns, Freddie Mac và Fannie Mae, Lehman Brothers và Merrill Lynch. Sự sụp đổ của các định chế tài chính này là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin của thị trường, dẫn đến sự hạ thấp tín nhiệm và sự ra đi của AIG, dẫn đến làn sóng rút tiền, gây ra khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng liên quan đến cho vay BĐS như Wamu và Wachovia.

Hiện cuộc khủng hoảng đã lún sâu và lan rộng ra khắp châu Âu, châu Mỹ La tinh và một phần ở châu Á, chủ yếu là Nhật Bản. Châu Âu và Nhật Bản chịu nhiều thiệt hại nhất liên quan đến cho vay dưới chuẩn ở Mỹ.

Nhật Bản và Đức là hai nước nắm giữ chứng khoán BĐS của Mỹ nhiều nhất, vì trước đó thị trường BĐS hai nước này ở trong tình trạng đóng băng, các tổ chức tài chính trong nước buộc phải vươn ra thị trường quốc tế để tìm kiếm lợi nhuận, trong khi chứng khoán BĐS Mỹ thì vừa dễ mua lại vừa hấp dẫn vì cho lãi suất cao.

Khủng hoảng phố Wall liệu có lan sang hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Từ các phân tích về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nói trên, chúng tôi tin rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay. Thứ nhất, các ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tài chính trong nước không sở hữu chứng khoán BĐS của Mỹ hay của châu Âu.

Thứ hai, lượng vốn các ngân hàng vay trên thị trường quốc tế là không lớn, do đó không gây ra hiệu ứng rút vốn làm cạn kiệt nguồn vốn của hệ thống (đây là rủi ro khủng hoảng chính của hệ thống ngân hàng Hàn Quốc hiện nay).

Thứ ba, và quan trọng nhất, các công ty tài chính và ngân hàng Việt Nam không có tỷ lệ đòn bẩy tài chính quá cao, một phần là do chứng khoán BĐS còn chưa ra đời ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có lý do để lo ngại cho một cuộc khủng hoảng tài chính "made in Vietnam". Thứ nhất là rủi ro tín dụng BĐS. Theo ước tính của chúng tôi, chỉ số giá BĐS Việt Nam có đường nét tương tự như xu hướng của các nước bị khủng hoảng khác, với sự tăng trưởng đột biến vào năm 2007 và bắt đầu giảm kể từ đầu năm 2008 đến nay, trong khi đó, dư nợ tín dụng BĐS của hệ thống ngân hàng Việt Nam tương đối lớn.

Tính đến cuối năm 2007, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo tiêu chuẩn quốc tế, vào khoảng 6% (giảm từ 30% năm 2007). Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng lên vào quý IV năm nay và trong năm 2009 nếu như không có tín hiệu tốt từ thị trường BĐS.

Bởi thứ nhất, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng cho vay kinh doanh BĐS đến nay khoảng 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ trên toàn hệ thống. Một phần lớn dư nợ này có thể bị chuyển thành nợ xấu nếu như đến cuối năm thị trường BĐS không phục hồi.

Thứ hai, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2007 của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất cao, khoảng 53%, cộng với việc khoảng 50% các khoản dư nợ được thế chấp bằng BĐS gây nỗi lo về tăng nợ xấu trong những tháng cuối năm 2008, khi các khoản cho vay BĐS đáo hạn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phi thiết yếu, doanh nghiệp xây dựng và các doanh nghiệp thầu khoán… đang thực sự khó khăn do thiếu vốn hoạt động, trong khi cánh cửa vay vốn còn đang nằm ngoài tầm với của họ. Theo điều tra mới đây của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh có nhu cầu vay vốn, nhưng chỉ hơn 10% được vay 100% theo nhu cầu.

Nếu như trong quý IV này không có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía NHNN đối với hệ thống ngân hàng và quan trọng hơn, các ngân hàng không tự cứu lấy mình bằng cách giảm lãi suất để cứu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tín dụng BĐS là rất cận kề. Theo chúng tôi, sẽ là đáng lo ngại nếu như không có một cuộc giảm lãi suất đáng kể trong thời gian tới.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng do chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, rủi ro này đã giảm bớt khi mới đây NHNN chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ "thắt chặt nhưng linh hoạt".

Cụ thể, NHNN hỗ trợ các ngân hàng (kể từ tháng 10) bằng động thái tăng lãi suất dự trữ bắt buộc từ 3,6% lên 5% (để giảm chi phí cho các ngân hàng), đồng thời tăng nguồn vốn cho thị trường, "tạm thời trả lại" 20.300 tỷ đồng cho các NHTM bằng cách cho phép các ngân hàng được phép sử dụng tín phiếu bắt buộc trước đây (phát hành ngày 17/3/2008) để cầm cố vay vốn, chiết khấu tại NHNN.

Vừa qua, ngày 20/10, NHNN quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Theo đó, từ ngày 21/10 lãi suất cơ bản được cắt giảm từ 14% xuống còn 13%, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng được giảm thêm 1%. Đặc biệt, NHNN tăng gấp đôi lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% và "chính thức" trả lại 20.300 tỷ đồng cho các NHTM bằng việc cho thanh toán trước hạn tín phiếu bắt buộc.

Quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ này sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng tăng tính thanh khoản và tiếp tục giảm lãi suất huy động và tín dụng. Gần đây, có những tín hiệu lạc quan về tính thanh khoản khi một số ngân hàng thông báo tiếp tục cho vay trở lại. Các ngân hàng đã từng bước cắt giảm lãi suất huy động và hiện đang thỏa thuận xóa bỏ một số kỳ hạn huy động tiết kiệm "siêu ngắn" sinh ra trong giai đoạn thị trường "khát" tiền mặt.

Theo chúng tôi, hiện các ngân hàng đang dư thừa một lượng lớn tiền mặt, là hệ quả của thời gian huy động vốn với lãi suất cao, trong khi thắt chặt đầu ra không cho vay. Vì vậy, cũng không ngạc nhiên nếu các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng vẫn còn hạn mức tín dụng tuyên bố cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời giảm lãi suất tiền gửi, nhất là những ngân hàng gần hết hạn mức tín dụng.

Tóm lại, việc có hay không khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam là chuyện riêng của Việt Nam, không phụ thuộc nhiều vào khủng hoảng thế giới. Trong thời gian tới, rất có thể sẽ có một làn sóng giảm lãi suất mới đáng kể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh cho các doanh nghiệp này bị phá sản, nhân tố có thể gây ra một cuộc khủng hoảng made in Vietnam.

Còn nếu không, trong trường hợp xấu nhất, dù nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới, thì cũng khó có thể xảy ra biến động lớn, vì hệ thống ngân hàng Việt Nam về cơ bản vẫn nằm trong sự kiểm soát và điều hành trực tiếp của Chính phủ.

Có thể sẽ có một làn sóng nhỏ trong việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ với các ngân hàng lớn hơn hoặc ít khả năng hơn, Chính phủ cho phép bán các ngân hàng này cho đối tác nước ngoài với tỷ lệ 49%.