VN-Index tiếp tục phá đáy!

Theo Đầu tư Chứng khoán

Sau khi lập đáy mới vào phiên đầu tuần (24/11), chỉ số VN-Index lại tiếp tục phá đáy trong phiên giao dịch sáng nay (26/11), mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục giảm, nhưng thông tin này dường như hỗ trợ thị trường khá ít.

Nếu như những phiên trước đó, thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu thì trong phiên giao dịch sáng nay, yếu tố này chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường chính là sự mất kiên nhẫn của nhà đầu tư trong nước. Bên bán vẫn tiếp tục thực hiện lệnh bán lớn, trong khi phía bên kia, nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài và giữ tiền mặt hơn, nên lượng cầu không thể đáp ứng được bên cung, chính điều này đã làm thị trường rơi tự do.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/11/2008, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 311,74 điểm, giảm 8,59 điểm (tương đương giảm 2,68%). Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 9.808.060 đơn vị, giảm 7,67% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 251,265 tỷ đồng, giảm 16,68% so với phiên trước.

Tổng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu và trái phiếu thành công đạt 2.176.320 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 102,49 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch đạt 11.984.380 đơn vị (tăng 7,15% so với phiên trước) và tổng giá trị giao dịch đạt 353,752 tỷ đồng (tăng 13,57%).

Những nỗ lực có điểm phiên trước đó đã tan biến ngay khi mở cửa đợt giao dịch đầu tiên trong sáng nay. Khối lượng dư bán thể hiện trên bảng điện tử không quá căng thẳng nhưng bên mua cũng chỉ là những lệnh nhỏ thăm dò thị trường.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 2,13 điểm, xuống 318,2 điểm (tương đương giảm 0,66%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 1.389.840 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 34,33 tỷ đồng. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 34 mã tăng giá, 61 mã đứng giá tham chiếu, 73 mã giảm giá và 3 mã không có giao dịch là BBT, SGH, VHG. Đáng chú ý, trong đó chỉ  có 3 mã tăng trần là DNP, DPC, HSI nhưng có tới 18 mã giảm sàn.

Biến động giá cổ phiếu trong phiên này chỉ dao động nhẹ, không nhiều mã tăng giá trần hoặc giảm hết biên độ. Tính thanh khoản của thị trường đang ở mức thấp khi mà nhiều nhà đầu tư đang chọn tư thế “quan sát” chứ không vội vã gia nhập thị trường. Trong khi đó, viễn cảnh về một tương lai không tươi sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn ngày một hiện rõ khi mà các tập đoàn lớn ra nhập danh sách phá sản cần được cứu trợ ngày càng tăng lên.

Sau 75 phút khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index giảm 7,25 điểm, xuống 313,08 điểm (tương đương giảm 2,26%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 7.513.310 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 194,13 tỷ đồng.

Kết thúc đợt 3, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 311,74 điểm, giảm 8,59 điểm (tương đương giảm 2,68%) so với phiên trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh báo giá thành công đạt 9.808.060 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 251,26 tỷ đồng.

Trong tổng số 171 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HoSE, có 27 mã tăng giá (có 4 mã tăng trần là DNP, HSI, SFC, SJ1), 130 mã giảm giá (53 mã giảm sàn), 14 mã đứng giá tham chiếu và 1 mã không có giao dịch là SGH. Đáng chú ý, sau khi kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, trên bảng điện tử chỉ có 2 mã không còn dư bán là DNP, HSI. Trong khi ở phía đối lập, có tới 37 mã không còn dư mua.

Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có tới 9 cổ phiếu giảm giá, 1 mã đứng giá là PVD. Đáng chú ý, trong đó có 3 mã giảm sàn là FPT, PPC, PVF.