Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Kinh tế số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang lan tỏa mạnh mẽ đến kinh tế thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Bài viết trao đổi về xu thế phát triển kinh tế số trên thế giới, thực trạng và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất góp phần đẩy nhanh kinh tế số ở Việt Nam.

Xu hướng phát triển kinh tế số

Theo TS. Phạm Việt Dũng (2020), thuật ngữ “kinh tế số” đã được đề cập từ khá lâu trước khái niệm Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tuy nhiên, chỉ khi CMCN 4.0 xuất hiện thì kinh tế số mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành xu thế phát triển, vì nó gắn với công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tài sản số... Hiện nay, có khá nhiều quan điểm, khái niệm về kinh tế số dù với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thực thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản.

Theo định nghĩa chung của Nhóm cộng tác kinh tế số của Trường Đại học Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet, kinh tế mới hoặc kinh tế mạng... Ở Việt Nam, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp (DN) sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động.

Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam  - Ảnh 1

Theo TS. Phạm Việt Dũng (2020), kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện: (i) Phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh); (ii) Cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số. Thực tế cho thấy, kinh tế số giúp tăng trưởng bền vững hơn, bởi công nghệ sẽ mang lại những giải pháp tốt, hiệu quả hơn đối với việc sử dụng tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường…

Nhận thức được xu thế đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Mỹ - nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ tin học với nhiều công ty nổi tiếng như: Google, Amazon, Facebook, Apple… đã xác định được tầm quan trọng của kinh tế số. Còn ở châu Âu có kế hoạch “Single Digital Market”, Australia có “Digital Australia”…

Theo báo cáo của Google và Temasek, vào năm 2018, quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD; Việt Nam xếp vị trí thứ 6 sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam chỉ chiếm 1/8 tổng giá trị (tương ứng  khoảng 11%). Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 240 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á.

Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% (Bảng 1).

Một số hàm ý chính sách

Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trở thành quốc gia có công nghệ phát triển. Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần triển khai một số giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Cần “luật hóa” những nội dung về kinh tế số để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số. Tiếp tục chú trọng nghiên cứu, đề xuất thêm những chính sách ưu đãi về thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm. Có chính sách khuyến khích DN đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam  - Ảnh 2

- Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa Chính phủ điện tử… bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và DN được thừa hưởng những tiện ích do kinh tế số mang lại.

- Triển khai các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng số toàn cầu hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng đối với DN trong nước.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp

- Nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này. Các DN cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực khi tham gia vào nền kinh tế số.

- Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số, trong đó nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế.

- Tập trung phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số. Phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đa dạng, hấp dẫn.

Về phía các cơ sở đào tào

- Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các DN.

- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

2. Phạm Việt Dũng (2020), Kinh tế số - cơ hội "bứt phá"cho Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương;

3. Nguyễn Đặng Hải Yến (2019), Nền kinh tế số: Kinh nghiệm phát triển ở một số quốc gia - bài học cho Việt Nam, Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24/2019;

4. Thế Lâm (2020) Việt Nam đang ở đâu trong xu thế kinh tế số?, Báo Lao động điện tử;

5. Nguyễn Minh Phong (2019), Nhận diện Kinh tế số, Báo Nhân dân điện tử.