Xung đột chính sách tiền tệ thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam

BAN KINH TẾ VĨ MÔ VÀ DỰ BÁO - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa các nước ngày một lớn đã làm gia tăng những rủi ro về xung đột chính sách tiền tệ thế giới. Trong khi, Mỹ đã bình thường hóa chính sách tiền tệ với việc từ bỏ chính sách lãi suất thấp gần bằng 0% được duy trì trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2017, đến năm 2018, Mỹ đã 3 lần tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019, các nước và khu vực khác như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Diễn biến thị trường tiền tệ thế giới như thế nào là một ẩn số thu hút sự quan tâm của xã hội năm 2019. Bài viết phân tích, làm rõ những rủi ro tiềm ẩn, từ đó đưa ra những hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Chính sách tiền tệ thế giới năm 2018: Tiềm ẩn những rủi ro, xung đột

Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, nhiều nước đã áp dụng chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng, với việc cắt giảm lãi suất và thực hiện các gói nới lỏng định lượng, nhằm ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Hầu hết các nước lớn như Mỹ, các nước trong khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng hành trong triển khai áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 đến nay, khi nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và sau 9 lần điều chỉnh tăng lãi suất của Mỹ (lãi suất hiện nay là 2,25-2,5%), các định chế tài chính các nước như: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Nhật Bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì CSTT nới lỏng. Cụ thể, ECB vẫn duy trì mức lãi suất 0% thực hiện từ ngày 10/3/2016; Trung Quốc áp dụng mức lãi suất 4,35% từ ngày 23/10/2015; Nhật Bản duy trì chính sách lãi suất âm (-0,1%) từ ngày 1/2/2016. Chính sách lãi suất âm cũng được các nước khác áp dụng như Thụy Điển, Thụy Sỹ…

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen, việc duy trì mức lãi suất gần bằng 0% trong thời gian dài sẽ tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường kinh tế, tài chính Mỹ và thực tế Mỹ đã bình thường hóa CSTT từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm qua, các nước/khu vực kinh tế lớn khác không đồng hành cùng Mỹ về CSTT.

Xung đột chính sách tiền tệ thế giới  và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1

Sự khác biệt giữa chính sách tài chính của Mỹ và các nước đã mở rộng đáng kể, sau khi Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất lên mức 2,25%. Thêm vào đó, đồng USD đã tăng giá không chỉ so với đồng Euro, mà còn đối với hầu hết các đồng tiền khác. Xu hướng đồng USD tăng giá kéo dài suốt thời gian vừa qua đã tác động đến kinh tế Mỹ. Việc duy trì chính sách đồng nội tệ yếu đã góp phần khuyến khích xuất khẩu của các nước vào Mỹ, qua đó, làm cho cán cân vãng lai giữa Mỹ luôn ở trong tình trạng thâm hụt.

Đỉnh điểm của xung đột CSTT vào tháng 7/2018, khi Tổng thống Mỹ Donal Trump cho rằng, “Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác đang lũng đoạn tiền tệ, lãi suất và cướp đi lợi thế cạnh tranh lớn của Mỹ”. Mỹ cho rằng, trong giai đoạn 1992-1994, Trung Quốc đã thao túng tiền tệ thường xuyên bằng việc sử dụng các quy định về ngoại hối để hạn chế nhập khẩu. Tháng 1/1994 Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) lên tới 33%, từ 5,82 RMB xuống USD xuống còn 8,72. Sau đó, giữ tỷ giá hối đoái cố định ở mức 8,28 trong một thập kỷ cho đến năm 2005. Đồng NDT bị định giá thấp một thời gian dài đã tạo ra những động lực khuyến khích xuất khẩu cho Trung Quốc.

Cáo buộc được Tổng thống Mỹ đưa ra sau khi đồng NDT giảm giá xuống dưới mức 6,8 NDT/1 USD trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không có nhiều động thái can thiệp để chặn đà giảm của đồng NDT. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ và khẳng định, tỷ giá của đồng NDT là do chính các thị trường quyết định, Trung Quốc không thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc phá giá đồng tiền của mình, nhằm tăng tính cạnh tranh.

Tại Báo cáo tháng 10/2018 về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ, Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết chống lại các hành vi tiền tệ không công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho lợi thế cạnh tranh bao gồm cả sự can thiệp không chính đáng vào thị trường tiền tệ. Đây là báo cáo có uy tín của Mỹ, được thực hiện định kỳ vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm, nhằm đánh giá 12 nước là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ (chiếm tới hơn 70% tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều).

Báo cáo lần này đưa vào xem xét đặc biệt với 6 đối tác lớn, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức và Thụy Sĩ. Trái với cáo buộc của tổng thống Mỹ, báo cáo này đưa ra kết luận không có đối tác nào của Mỹ đáp ứng cả 3 tiêu chí để bị đánh giá là thao túng tiền tệ, bởi các quốc gia này đều có thặng dư thương mại với Mỹ (lớn hơn 20 tỷ USD); Thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP; Liên tục can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối (mua ròng ngoại tệ liên tục trong vòng 12 tháng với quy mô 2% GDP).

Mặc dù vậy, sự khác biệt về CSTT cũng là một trong những nguyên nhân châm ngòi cho xung đột chính thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Ngày 23/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ USD với gần 1.300 sản phẩm hàng hóa Trung Quốc và hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những hành vi thương mại không công bằng và hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ.

Danh sách các mặt hàng chịu thuế tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin và robot. Đạo luật Thương mại năm 1974 cho phép Tổng thống có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt, hoặc các hình phạt khác đối với các đối tác thương mại nếu nó được cho là không công bằng gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ.

Xung đột chính sách tiền tệ thế giới  và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 2

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 6/7/2018. Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng việc áp dụng mức thuế 25% bổ sung cho máy bay, ô tô và đậu tương - những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc.

Tiếp đó, ngày 8/8/2018, Mỹ chính bố danh sách 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD bị áp thuế bổ sung 25% từ ngày 23/8, bao gồm các sản phẩm như: xe máy, xe môtô, máy kéo, phụ tùng đường sắt, mạch điện, các thiết bị nông nghiệp và nhựa tổng hợp... Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch áp thuế bổ sung 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 16 tỷ USD, nhằm trả đũa động thái tương tự của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Xung đột chính sách tiền tệ thế giới  và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 3

Cuộc chiến thương mại leo thang khi Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung ở mức 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9 trước khi tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Để đáp trả, Trung Quốc đã thông báo áp thuế từ 5-10% đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các động thái trên đã đẩy tình trạng căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới lên một nấc thang mới. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, cuộc chiến thương mại này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,7% xuống 3,5% trong năm 2019 và 2020.

Các nhà kinh tế cho rằng, không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Khi cuộc chiến thương mại ngày càng sâu rộng, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tối dần. Cuộc chiến thương mại được coi là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại. Kéo theo sau đó là tác động lan tỏa đến các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Trước tác động của cuộc chiến thương mại, nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2018, cụ thể với Đức thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn khi trong quý III/2018, tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống còn 0,2%. Thương mại là một trong những lý do khiến đà giảm tăng trưởng này, nhu cầu từ Trung Quốc giảm, sự không chắc chắn chưa từng thấy về chính sách thương mại của Mỹ và triển vọng không mấy khởi sắc sau sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi thị trường châu Âu và Liên minh hải quan.

Các nhà kinh tế đều cho rằng, không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Khi cuộc chiến thương mại ngày càng sâu rộng, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tối dần. Cuộc chiến thương mại được coi là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại. Kéo theo sau đó là tác động lan tỏa đến các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, thương mại chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, yếu tố vốn chi phối rất mạnh ở Mỹ trong năm 2018 chủ yếu nhờ vào kích thích tài khóa cuối chu kỳ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu được thực hiện kể từ tháng 12/2017 dự kiến sẽ sớm giảm đi. Các dự báo cho thấy, tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại từ 2,9% trong năm 2018 xuống còn 2,1% vào năm 2020.

Chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump đang làm tổn hại cán cân thương mại của Mỹ. Thâm hụt thương mại hàng tháng của Mỹ, chỉ tính riêng trong tháng 9/2018 đã đạt 54 tỷ USD, vượt quá mức thâm hụt danh nghĩa được ghi nhận hàng tháng từ năm 2009 đến 2017. Thuế quan được cho là đang có tác động tiêu cực đến nhập khẩu của Mỹ nhưng những tác động tiêu cực của nó đến xuất khẩu cũng là rất lớn. Điều này hoàn toàn được dự báo từ trước. Khi tăng trưởng thu nhập giữa các đối tác thương mại chậm lại, họ mua ít hơn từ Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc và các quốc gia khác đã trả đũa hàng hóa của Mỹ bằng thuế quan của riêng họ.

Chiến tranh thương mại là một cú sốc tiêu cực đối với tổng cung của nền kinh tế. CSTT khôn khéo có thể giúp bù đắp những tác động tiêu cực từ tổng cầu nhưng có thể làm được rất ít hoặc gần như không thể bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực đến từ tổng cung. Tăng trưởng chậm hơn và giá cao hơn là những tác động không thể tránh khỏi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, nếu áp dụng kích thích tiền tệ nhằm kéo dài giai đoạn mở rộng (của chu kỳ kinh tế) hiện tại một cách “nhân tạo”, thì kết quả sẽ là lạm phát. Do vậy, thông tin về Mỹ - Trung Quốc tạm thời ngừng chiến trong cuộc chiến thương mại trong 90 ngày đạt được ở cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina đã làm cho thị trường chứng khoán các nước khởi sắc.

Tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Xung đột CSTT và căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần là từ vấn đề thương mại, tài chính nên khó có thể đoán định được thời gian kéo dài cũng như mức độ leo thang của các xung đột với việc Tổng thống Mỹ Donal Trump đe dọa có thể đánh thuế lên cả 505 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam là nền kinh tế có mức độ mở cửa lớn (lên đến 200% GDP) nên cũng sẽ chịu tác động từ xu hướng điều chỉnh chính sách của các nước. Cụ thể:

- Đối với lĩnh vực tiền tệ và thương mại: Đồng NDT của Trung Quốc mất giá mạnh trong thời gian vừa qua đã tác động đến VND. Năm 2018 (tính đến ngày 17/12/2018), đồng NDT đã mất giá khoảng 6,86% so với đồng USD. Trong khi đó, VND được duy trì khá ổn định, chỉ mất giá khoảng 1,83% so với USD. Điều này khiến cho VND tăng giá hơn so với đồng NDT. Không chỉ vậy, hầu hết các đồng tiền trong khu vực (ngoại trừ Thái Lan, Nhật Bản) đều bị mất giá so với USD cao hơn Việt Nam, điều này đồng nghĩa hàng hóa của Việt Nam đắt lên so với các nước.

Chính sách đồng NDT yếu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá (nhằm cân đối lại tình hình cần được nghiên cứu kỹ) nhằm tránh việc Mỹ sẽ áp đặt thuế lên hàng nhập khẩu của Việt Nam. Tính đến hết năm 2017, cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ thặng dư khoảng 38,3 tỷ USD; năm 2018, cán cân thương mại thặng dư 31,75 tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam khi các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc để tránh những thiệt hại rủi ro từ xung đột thương mại. Vấn đề đặt ra đối với thu hút vốn FDI của Việt Nam giai đoạn hiện nay không chỉ là về giá trị, quy mô dự án mà cần chú trọng đến chất lượng của dự án FDI, tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, công nghệ cũng như việc kết nối được giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù, hiện nay Mỹ chưa cáo buộc bất kỳ nước nào thao túng tiền tệ song trên thực tế Mỹ đã áp đặt thuế hoặc gây căng thẳng thương mại đối với một số nước có quan hệ thương mại lớn, tạo ra thâm hụt lớn trong cán cân thương mại của Mỹ và nằm trong danh sách giám sát của báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” (Trung Quốc, Mexico, Canada…). Do đó, việc điều hành chính sách tỷ giá phải được công khai, minh bạch để đảm bảo Mỹ sẽ không đưa Việt Nam vào danh sách giám sát hoặc có những hành động trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

- Về định hướng điều hành CSTT: Ngân hàng Nhà nước khẳng định thời gian tới Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành CSTT từ đầu năm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT để thực hiện mục tiêu trên, trong đó tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường.

- Về lĩnh vực đầu tư: Việc Mỹ tăng lãi suất có thể làm dịch chuyển xu hướng đầu tư từ các nước về Mỹ. Rủi ro đảo chiều của các dòng vốn, đặc biệt là các dòng vốn ngắn hạn có thể gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải giám sát và quản lý sự luân chuyển của các dòng vốn để tránh những xáo trộn về ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam khi các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc để tránh những thiệt hại rủi ro từ xung đột thương mại.

Mặc dù có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư tăng lên song vấn đề đặt ra đối với việc thu hút vốn FDI của Việt Nam giai đoạn hiện nay không chỉ là vấn đề về giá trị, quy mô dự án mà cần chú trọng đặc biệt đến chất lượng của các dự án FDI, tác động của FDI đến việc phát triển kinh tế xã hội, môi trường, công nghệ cũng như việc kết nối được giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. http://vietbao.vn/Kinh-te/Chinh-sach-tien-te-cua-FED-va-ECB-Xung-dot-tiem-an/2147624777/48/;
2. https://www.cnbc.com/video/2018/07/20/trump-china-eu-european-union-tweet-currency-manipulation-trade-war-trade-deal-dollar.html;
3. http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-the-gioi-24h-ong-trump-lai-giang-don-len-trung-quoc-469012.html;
4. http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/trung-quoc-tung-chieu-an-mieng-tra-mieng-my-469057.html;
5. https://baomoi.com/my-trung-ngung-thuong-chien-dung-hy-vong-nhieu/c/28879470.epi.