Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà:

Sự thành lập "siêu uỷ ban" đã nêu bật vai trò dẫn dắt của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty

Gia Hân

Chiều 29/9/2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của Ủy ban kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương những thành tích và kết quả sau 5 năm hoạt động của Ủy ban.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương những thành tích và kết quả sau 5 năm hoạt động của Ủy ban.

Thông tin tại Hội nghị về một số kết quả hoạt động 5 năm nổi bật của Ủy ban, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết, sau 5 năm thành lập, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các hoạt động đối ngoại nhằm mở rộng cơ hội tìm kiếm kinh nghiệm và các nguồn lực quốc tế phục vụ việc chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế; tìm kiếm đối tác đầu tư tài chính quốc tế, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Nhờ đó, 19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng 9% và chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước; tổng tài sản hợp nhất tăng 6% và chiếm tỷ lệ khoảng 65% tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước; doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng từ 19,4% lên 20% so với GDP của cả nước. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217 nghìn 781 tỷ đồng).

Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết thêm, trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước những năm tới tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, đặc biệt là diễn biến bất ổn địa chính trị, để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Ủy ban đề ra một số nhóm nhiệm vụ chính.

Trong đó, có việc bám sát 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đồng thời, 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, mô hình đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, thông qua Ủy ban là một cách làm mới, nhưng đã từng bước chứng tỏ tính đúng đắn trong thực tế. “Sự thành lập của Ủy ban đã nêu bật vai trò chủ đạo, dẫn dắt của Nhà nước tại 19 tập đoàn và 16 ngành kinh tế quan trọng", Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, thời gian tới, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cần tạo thành một tập thể mạnh mẽ trí tuệ, để nghiên cứu nhằm đề xuất các vấn đề lý luận và thực tiễn về Mô hình quản lý vốn, quản lý về bộ máy, tổ chức doanh nghiệp nhà nước vận hành trong nền kinh tế thị trường để phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời , thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết tạo mọi điều kiện để 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục kiện toàn, củng cố để chuyển mạnh sang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

“Hiện Ủy ban đang có nguồn vốn khoảng 2,450 triệu tỷ đồng, tôi rất mong các đồng chí sẽ chuyển hóa được toàn bộ nguồn vốn này tập trung vào những vấn đề mũi nhọn, đừng để vốn bị đóng băng. Chắc chắn rằng, Chính phủ sẽ luôn chia sẻ cùng với Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty và cộng đồng doanh nghiệp, với phương châm: chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban khẳng định tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Ủy ban trong các ngành quan trọng của nền kinh tế, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý vốn nhà nước.

 

Chia sẻ trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, việc thành lập Ủy ban đã tạo điều kiện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các công trình trọng điểm, cũng như tạo sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành với Ủy ban để chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước thực hiện sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, tiến độ nhanh hơn.