Bộ Công Thương lưu ý người tiêu dùng khi bảo hành hàng hóa

Theo TTXVN

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã tiếp nhận một số thông tin về trách nhiệm bảo hành sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Trước thực tế này, để được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng khi mua hàng hóa phải xem xét nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Cụ thể, bên cạnh chất lượng, một ưu điểm khác của việc mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đó là được bảo toàn quyền lợi trong trường hợp bảo hành.

“Tùy theo từng loại sản phẩm và quy định về bảo hành của nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể bảo hành sản phẩm tại đơn vị kinh doanh hoặc các trung tâm bảo hành ủy quyền của nhà sản xuất,” đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Ngoài ra, khi mua hàng, hóa đơn mua bán và giấy bảo hành là các bằng chứng cho biết sản phẩm được cung cấp và bảo hành bởi đơn vị nào.

Trong trường hợp người tiêu dùng cần bảo hành thiết bị hoặc phản ánh, khiếu nại về sản phẩm mà không có các giấy tờ trên, đơn vị kinh doanh sẽ có xu hướng từ chối làm việc với người tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng hãy lưu ý luôn giữ hóa đơn và giấy tờ bảo hành sản phẩm sau khi mua.

Cũng theo cơ quan này, khi một số đơn vị kinh doanh và trung tâm bảo hành đã đột ngột đóng cửa, gây tâm lý hoang mang, lo ngại. Người tiêu dùng cho rằng việc bảo hành sản phẩm sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí là không thể khi doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong trường hợp này, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn được bảo vệ một cách triệt để.

Theo đó, điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa sẽ phải “Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.”

Như vậy, đối với sản phẩm chính hãng (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành, người tiêu dùng có thể liên hệ và yêu cầu doanh nghiệp khác (nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, trung tâm bảo hành ủy quyền,…) thực hiện trách nhiệm bảo hành.

Để được tư vấn về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ với các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.