Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

Đi chợ truyền thống những ngày giáp Tết Nguyên đán là thói quen của tôi từ bao nhiêu năm qua. Ở đó, không chỉ đơn giản là bán, là mua, mà còn để cảm nhận không khí háo hức của người dân khi sắp sửa đón một mùa xuân mới, với những niềm hy vọng mới đang đến rất gần…

Mua niềm vui, bán nỗi buồn

Sống ở chung cư cao tầng tại thủ đô Hà Nội, ngay dưới tầng 1 căn chung cư là hệ thống siêu thị Vinmart, Coop Mart với khá nhiều các mặt hàng được bày bán, từ bánh, mứt, kẹo, đến lương thực, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng, quần áo trẻ em, người lớn…

Hoặc chẳng cần xuống siêu thị cho mất thời gian đợi thang máy, chỉ cần ngồi nhà, ghé qua các chợ online bằng chiếc điện thoại di động hoặc máy tính, tôi cũng có thể sắm đủ đồ cho cả 3 ngày Tết chỉ trong vài thao tác đơn giản, với: Cây quất, cành đào, bánh, mứt, kẹo, bánh chưng, giò chả… rồi sẽ có người ship đến tận nơi. Nhưng, giống như nhiều người dân trên khắp đất nước Việt Nam, tôi không chọn cách sắm Tết “nhàn nhã” đó.

Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua
Những âm thanh ở chợ truyền thống luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người dân.

 

Năm nay, dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước vào những ngày cận Tết Nguyên đán, nhưng thói quen đi chợ truyền thống vào những ngày giáp Tết tôi vẫn duy trì, chỉ có điều khác mọi năm, năm nay tôi cũng giống như tất cả mọi người, đeo khẩu trang khi vào chợ để phòng, chống dịch Covid-19.

Bởi với tôi, đi chợ truyền thống ngày giáp Tết không đơn giản chỉ là bán, là mua, mà nó còn vượt ra khỏi ranh giới bán - mua thông thường ấy. Đó là sự cảm nhận về một không khí Tết cổ truyền đang đến rất gần, cảm nhận sự hối hả của công cuộc mưu sinh.

Nếu như chọn cách mua sắm ở siêu thị, tôi chỉ được giao tiếp với một nhân viên đứng quầy và nhân viên thu ngân, hay cùng lắm là người bảo vệ siêu thị. Hoặc nếu chọn mua sắm online, tôi chỉ cần chuyển khoản tiền cho người bán và ngồi nhà đợi, đồ sẽ được người bán mang đến tận nơi, thì đi chợ truyền thống lại có một ý nghĩa khác.

Không chỉ được tận mắt nhìn thấy, được chọn, lựa những sản phẩm đúng với nhu cầu của gia đình mình, mà ở đây tôi có thể gặp gỡ hàng trăm, hàng ngàn người khác nhau, có người lạ, có cả người quen là bạn bè, hay đơn giản chỉ là những người từng mua hàng của họ rồi nhớ mặt, nhớ tên, nó giúp tôi cảm nhận rõ hơn được sự kết nối cộng đồng.

Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua
Người dân sắm Tết tại chợ truyền thống.

 

Ở chợ truyền thống, tôi được chứng kiến người bán – người mua cười nói, rì rầm trả giá và tất bật mua – bán. Đi chợ truyền thống, cũng giúp tôi tìm lại được cảm giác háo hức, bồi hồi cách đây gần 40 năm được cùng mẹ ra chợ Tết những ngày còn sống ở quê.

Ngày ấy, mẹ chỉ để tôi ngồi một góc chợ, nhìn ngắm người qua lại và trông những món hàng mẹ mua mà không được đi đâu, vì chợ quê ngày Tết rất đông, trẻ con có thể bị lạc nếu không cẩn thận. Cuối buổi chợ, mẹ sẽ thưởng cho tôi một bát cháo se cho ấm bụng (loại cháo được làm từ bột gạo tẻ xay nhuyễn nấu với thịt lợn băm), nhưng cả tuổi thơ của tôi là sự háo hức, chờ đợi, mong đến Tết Nguyên đán để được đi chợ cùng mẹ.

Học cách cảm thông

Đến chợ truyền thống những ngày cận Tết Nguyên đán với tôi không chỉ đơn giản chỉ là mua cành đào, cây quất, con gà, mớ rau, nải chuối để chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn, mà ở đó tôi còn học được rất nhiều thứ từ những người xung quanh.

Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua
Quất cảnh bày bán tại chợ quê.

 

Người bán hàng ở chợ truyền thống có thể là người làm ra sản phẩm, cũng có thể họ chỉ là trung gian phân phối sản phẩm từ người nông dân đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng dù họ là người làm ra hay chỉ giữ vai trò phân phối sản phẩm thì đều có một điểm chung đó là phải dậy từ rất sớm, có khi phải đi vài chục cây số mới đến được chợ.

Họ đều có chung một mơ ước, đó là bán hết hàng sớm để trở về với gia đình, thế nên, người mở hàng với họ rất quan trọng. Người mở hàng xởi lởi, thì cả buổi chợ gặp được khách xởi lởi, đắt hàng, ngược lại nếu người mua hàng khó khăn, thì tâm lý của người bán trong cả phiên chợ sẽ lo lắng, sợ không bán được hàng.

Đi chợ truyền thống những ngày cận Tết, tôi thường ít khi mặc cả, bởi những món hàng lựa chọn cũng chỉ đơn giản là mớ rau, nải chuối, quả bưởi… giá của nó chỉ vài cho đến vài chục ngàn mỗi món, nhiều là vài trăm. Và vì, mua mớ rau, tôi thường hay nghĩ đến người nông dân một nắng hai sương, họ phải chăm chút vài tháng trời mới được củ xu hào, bán 7-8 ngàn đã là quá rẻ.

Có lần tôi mua một chậu hoa đồng tiền về trang trí ở ban công, nhưng người bán lại là hai bạn nhỏ tầm 8-9 tuổi - trạc tuổi con tôi. Chúng làm tôi lại nhớ đến hình ảnh của mình năm xưa, háo hức ra chợ theo mẹ vào mỗi dịp cận Tết.

Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua
Người dân có ý thức đeo khẩu trang khi đi chợ truyền thống.

 

Ra chợ truyền thống những ngày cận Tết, tôi còn bắt gặp hình ảnh những người khuyết tật, họ ngồi xe lăn đi bán vài món đồ lặt vặt như: Gói tăm tre, kẹo cao su, bông ngoáy tai, vài cái bút bi hay chiếc bật lửa…

Những món đồ này thi thoảng tôi cũng mua với mục đích để ủng hộ người bán nhưng không mấy khi dùng đến, nên tôi thường giúp họ vài đồng mà không cần lấy sản phẩm. “Của ít, lòng nhiều”, nhưng đó là cách tôi sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn theo cách riêng của mình.

Những âm thanh cười nói, náo nhiệt ở chợ truyền thống những ngày cận Tết Nguyên đán luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi. Nó giúp tôi cảm nhận được sự vất vả mưu sinh của những người nông dân trồng đào, trồng quất, trồng rau… và cảm thông nhiều hơn với công việc của họ.

Đặc biệt, còn giúp tôi cảm nhận rõ hơn về không khí Tết cổ truyền đang đến rất gần. Một mùa xuân mới với những ước vọng về cuộc sống bình yên và hạnh phúc.