Khuyến cáo cách đề phòng dịch sốt xuất huyết

Theo PV/thanhtravietnam.vn

Dịch sốt xuất huyết năm 2017 đã gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý người dân Hà Nội. Để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết trong năm nay, Bộ Y tế đã đưa ra 9 biện pháp phòng ngừa giúp người dân chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

 Muỗi mang virus sốt xuất huyết sẽ truyền bệnh gián tiếp từ người này sang người khác. Nguồn: internet
Muỗi mang virus sốt xuất huyết sẽ truyền bệnh gián tiếp từ người này sang người khác. Nguồn: internet

Thời tiết hè 2018 diễn biến rất phức tạp với lượng mưa nhiều kèm theo nắng nóng kéo dài, đây là điều kiện phù hợp cho sự phát triển của các loài côn trùng trong đó có muỗi Anophel. Điều này đồng nghĩa với sự bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm trong đó có dịch sốt xuất huyết đã hoành hành trong hè năm 2017.

Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng vẫn lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết mà vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội là một bài học. Do đó, đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè dễ bùng phát nhất thì tốt hơn hết là phải phòng hơn chữa.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

5. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

6. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

7. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

8. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

9. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.