3 câu hỏi thường gặp về tài chính cá nhân

Theo doanhnhansaigon.vn

Trong quá trình làm việc, Sophia Bera - chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân (tác giả cuốn What You Should Have Learned About Money, But Never Did), người liên tục xuất hiện trong các danh sách như "40 Under 40" của trang Investment News, "10 Young Advisors to Watch" của trang Financial Advisor Magazine...

Tài chính cá nhân gây khó khăn cho rất nhiều người trên con đường kiếm tìm sự tự do tài chính cá nhân.
Tài chính cá nhân gây khó khăn cho rất nhiều người trên con đường kiếm tìm sự tự do tài chính cá nhân.

Sophia Bera cũng có nhiều bài viết, quan điểm tài chính được đăng tải trên các tờ báo lớn như The New York Times, Wall Street Journal, Forbes, Fortune, Business Insider, Yahoo Finance, CNN Money… và thường xuyên đưa ra giải đáp cho nhiều câu hỏi xoay quanh những thắc mắc về tài chính.

Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây trên tờ Business Insider, Sophia Bera đã tổng hợp những câu hỏi thường gặp ấy, lý giải cặn kẽ cũng như đưa ra giải pháp hợp lý nhất để giải quyết các vấn đề đã, đang và sẽ còn gây khó khăn cho rất nhiều người trên con đường kiếm tìm sự tự do tài chính cá nhân.

1. Có nên mở tài khoản ngân hàng? Nên mở loại nào và để vào đó bao nhiêu tiền?

Câu trả lời là bạn nên mở tài khoản ngân hàng và mỗi tài khoản có một mục đích sử dụng cũng như một khoản tiền khác nhau.

Ưu tiên nhất là tạo một tài khoản tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn (savings account) và gửi vào trong đó từ 3 - 6 tháng tiền lương của mình. Theo Sophia Bera, gần một nửa số người Mỹ không có bất cứ một khoản tiền nào dự phòng cho các trường hợp xấu như bệnh tật, sửa chữa nhà cửa, thất nghiệp…

Đến khi những vấn đề này bất ngờ xuất hiện, hầu hết họ sẽ phải vay nợ, tệ hơn, họ không đủ tỉnh táo và kiên nhẫn để chờ đợi và đưa ra những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến nền tảng tài chính của mình. Giả dụ bạn không may bị thất nghiệp và gia đình không có một tài khoản không kỳ hạn nào trong ngân hàng, chắc chắn bạn chịu một áp lực lớn, khi mà bao nhiêu chi phí hằng ngày bỗng chốc không thể giải quyết.

Lúc này, bạn sẽ không có thời gian để nhìn lại mình, tìm kiếm một công việc tốt hơn, thư giãn tự thưởng cho bản thân, mà ngay lập tức phải tìm một việc mới nhằm lấp đầy các “chi phí” ấy. Vay mượn, bán các tài sản giá trị, bán các khoản đầu tư có khả năng sinh lời trong tương lai… cũng là những điều sẽ xuất hiện nếu bạn thiếu một khoản tiền gửi không kỳ hạn.

Do đó, hãy tìm cho mình một ngân hàng có mức lãi suất cao nhất, rồi mở cho mình một tài khoản tiết kiệm như vậy. Ngoài ra, nếu có thể, bạn nên có những khoản tiết kiệm khác nhau cho từng lĩnh vực riêng, bởi như thế sẽ đảm bảo cho bạn tránh được những rủi ro ở mức cao nhất.

Tiếp theo, Sophia Bera luôn khuyến khích khách hàng của mình tự tạo ra cho họ một tài khoản giấc mơ (dream savings account). Khi bạn có một mục tiêu cụ thể, giống như việc có một chuyến du lịch dài ngày hoặc mua một chiếc xe hơi, bạn nên có cho mình một tài khoản giấc mơ.

Một tài khoản giấc mơ sẽ tăng cơ hội để bạn thực hiện được mục tiêu của mình lên 80%, bởi nó không những giúp bạn tiết kiệm đều đặn và khoa học hơn, mà còn giúp bạn không bị do dự, bị cảm giác tội lỗi khi phải trích một phần tiền từ các tài khoản tiết kiệm, các tài khoản đầu tư… cho mục tiêu ấy.

2. Thường xuyên chi tiêu quá đà mỗi tháng, làm thế nào để quản lý tiền bạc tốt hơn?

Quy trình giúp bạn quản lý tiền bạc một cách tốt hơn chỉ gồm 6 bước đơn giản:

- Theo dõi chi tiết các khoản thu nhập và chi phí hằng tháng, hằng quý, hằng năm của mình, tối thiểu là phải có một file exel hỗ trợ.
- Thực hiện điều chỉnh chi tiêu dựa trên các giá trị và các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của bạn.
- Đừng bao giờ quên trả nợ.
- Tạo ra những thói quen tốt, thói quen tiết kiệm.
- Có các kênh đầu tư, ít nhất là một tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, để chuẩn bị cho việc về hưu sau này.
- Đừng nhìn những bức ảnh “hưởng thụ” của bạn bè đăng tải trên Instagram, Facebook, Zalo… nữa.

3. Mua nhà có phải là một khoản đầu tư tốt?

Mua nhà chỉ là một khoản đầu tư tốt khi không đi kèm với bất cứ một khoản nợ, lãi vay và một khoản chi phí bảo trì hay nâng cấp nào đi kèm. Bên cạnh đó, với sự bấp bênh của thị trường bất động sản hiện nay, một người thiếu kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản sẽ rất khó đưa ra được một quyết định mua nhà có khả năng sinh lời trong tương lai.

Vì vậy, đừng để áp lực mua nhà, áp lực từ những câu chuyện về một người bạn nào đó của mình thu về hàng “núi” tiền từ việc bán một căn nhà khiến bạn cho rằng mua nhà là một quyết định đúng đắn nhất cho tình hình tài chính của mình.

Nếu bạn chưa có nhà và không có kế hoạch ở một nơi nào đó lâu dài, không hiểu thị trường bất động sản vận hành ra sao và không có một tiềm lực tài chính đủ mạnh nhằm dự phòng cho những trường hợp “đầu tư thua lỗ”, tốt nhất là bạn nên đi thuê nhà thay vì vay tiền để mua với mục đích ở và đầu tư.