5 cách biến công việc đầu tiên thành bàn đạp thành công

Theo nhipcaudautu.vn

Chẳng có công việc nhàm chán hay vô nghĩa, chỉ có người không chịu khó cố gắng và học hỏi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những khóa thực tập hè hay công việc đầu đời thường là bệ phóng cho sự thành công. Dù lúc làm những việc ấy bạn sẽ không cảm thấy như vậy, nhưng những kinh nghiệm quý báu được tích lũy từ đó sẽ rất có ích cho nhiều thứ, ngoài việc “làm đẹp” cho CV xin việc.

Càng lớn người ta càng gặp khó khăn trong việc tiếp thu và lĩnh hội, do đó những công việc đầu tiên luôn là cơ hội quý giá để tranh thủ học hỏi. Bài học từ những công việc đó có thể đi theo bạn đến suốt cuộc đời.

Mark Casady, Chủ tịch kiêm CEO của công ty tư vấn tài chính LPL Financial, chia sẻ rằng lúc trẻ ông đã không có nhiều cơ hội lựa chọn công việc cho mình. Chính vì vậy, ông đã cố gắng thử làm mọi thứ có thể. Mark bắt đầu kiếm tiền bằng nghề giao báo, và cho biết rằng ông phải đi góp nhặt từng xu lẻ từ khách hàng, vài người trong số đó yêu cầu phải giao đủ 25 lượt rồi mới trả cho ông khoản tiền 25 cents. Trải nghiệm này đã dạy cho Mark bài học về cách biết kết hợp sự kiên định và khả năng thuyết phục người khác.

Về sau, Mark làm những nghề như tài xế xe tải, trồng cây và đốn củi. Ông chia sẻ “Củi luôn sưởi ấm bạn 2 lần: Một là khi bạn chẻ củi và lần còn lại là khi bạn đốt chúng.” Ông chuyển sang làm nghề trông cửa hàng bán hoa khi theo học phổ thông và đại học. Trong năm cuối đại học, Mark làm quản lý cho một khu căn hộ. Ông thường có mặt tại sàn đấu giá và tìm ra những “kho báu” không ai nghĩ đến, ví dụ như một bộ tủ gỗ rất đẹp đã được ông tân trang lại và đem bán ra với số tiền cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra.

Những công việc nêu trên, cùng với công việc tập sự và công việc toàn thời gian đầu đời của mình, đã giúp Mark có được một nền tảng sự nghiệp ổn định, và trở thành nhà lãnh đạo của tập đoàn tư vấn tài chính độc lập lớn nhất nước Mỹ. Cho đến giờ Mark vẫn rất ngạc nhiên làm thế nào mà những bài học từ thuở ban đầu ấy lại dính chặt với ông đến như vậy.

1. Đã nhận thì phải làm tới cùng

Muốn trở thành một cá nhân nổi bật, dám nghĩ, dám làm trong mắt người khác, trước hết bạn hãy luôn hoàn thành mọi công việc dù có vấn đề gì xảy ra. Mark kể khi ông còn làm trong cửa hàng bán hoa, ông đã phải học cách làm những công việc “đáng ghét” như làm bình đựng cốt hay bày biện quan tài trong đám tang. Theo lẽ thường thì những quan tài này luôn được đóng kín.

Tuy nhiên, có một dịp, ông bị bắt phải xếp vòng hoa ngay trên nắp quan tài chưa đóng. Quan tài này cần được trang trí cẩn trọng để chuẩn bị cho đám tang một ông cụ vào ngày Chủ nhật. Mark chia sẻ khi ấy ông cảm thấy rất ngại ngần khi phải làm những việc này. Dần dà ông học được cách gạt bỏ mọi sự khó chịu, bực bội để hoàn thành công việc cho dù có yêu cầu gì đi chăng nữa.

2. Không ngừng tò mò

Hãy luôn tìm cách thực hành các kiến thức đã học. Những nhân viên thời vụ hay chưa có kinh nghiệm đều có thể tăng cường giá trị của mình nếu chịu khó xông xáo. Mark cho biết khi ông bắt đầu học kinh doanh ở đại học, ông đã tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin phong phú về các báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán.

Ông bắt đầu suy nghĩ về vấn đề tài chính tại cửa hàng bán hoa mà mình làm việc. Nhìn thấy cơ hội để ứng dụng những điều mình đã được học, Mark đã chủ động tính toán và đưa ra góp ý của mình với những người chủ cửa hàng.

Khá ngạc nhiên vì tinh thần dám nghĩ dám làm của Mark, họ đã xem xét thấu đáo sự phân tích của ông và thực hiện vài thay đổi cần thiết. Những trải nghiệm như vậy đã cho Mark sự hiểu biết về cách thức kinh doanh, và biến ông trở thành một nhân viên có giá trị hơn rất nhiều. Mark nhận ra rằng ông đã không thể tích lũy được những kinh nghiệm thực tế đầy ý nghĩa như vậy nếu không chủ động tự tìm kiếm chúng.

Bạn luôn có thể tìm kiếm cơ hội học hỏi thông các công việc tưởng chừng là chán ngắt. Hãy chịu khó quan sát sự tương tác giữa các đồng nghiệp với nhau và suy nghĩ xem một môi trường làm việc được tổ chức tốt là như thế nào.

Tại sao có người lúc nào cũng bận rộn trong khi một đồng nghiệp khác lại luôn có thời gian? Phòng ban nào của công ty có công việc thú vị hơn những đơn vị khác? Làm cách nào mà nhà quản lý X có quan hệ tốt với những người dưới quyền của cô ấy, từ đó hãy so sánh với phong cách của nhà quản lý Y?

3. Tìm kiếm cơ hội để tạo nên sự đột phá

Các nhân viên trẻ tuổi biết chịu khó trong giai đoạn đầu có thể học được nhiều bài học quý giá và tìm được cách để tỏa sáng. Trước khi Mark tốt nghiệp đại học, ông cảm thấy rất may mắn khi nhận được vị trí thực tập hè tại một ngân hàng nhỏ ở Indianapolis.

Đó là một công việc có thu nhập khá hấp dẫn, nhưng nó lại giúp ông nhận ra rằng mình không muốn trở thành một nhân viên ngân hàng. Nó giúp ông nhận ra rằng mình thấy hứng thú hơn trong việc khám phá cách thức các công ty hoạt động thay vì làm hồ sơ cho họ vay tiền. Một công việc mà ông không thích hóa ra lại là thứ dẫn đường Mark đến với sự nghiệp sau này.

Dù vậy, Mark vẫn có đủ động lực để hoàn thành công việc thực tập của mình, và xem công việc ấy là cơ hội học hỏi. Trong khoảng thời gian đó, ngân hàng nơi ông làm việc đã thu mua lại kho hàng của một nhà cung cấp hoa. Các nhân viên ngân hàng thì chẳng biết làm gì với một đống dụng cụ làm vườn nhưng Mark thì khác. Mark đã gọi cho cửa hàng hoa của mình và bảo: “Tôi có một vụ làm ăn cực tốt cho ông đây.” Và ngân hàng đã vui sướng khi bán được hết kho hàng đó, còn những người bạn của ông tại cửa hàng hoa thì phấn khích vô cùng.

4. Học cách giải quyết vấn đề

Xác định được vấn đề là một chuyện nhưng cũng chả có ích gì nếu không có cách giải quyết vấn đề đó. Mark kể rằng trong một công việc trước đây, ông đã phải thiết kế lại hàng trăm mẫu đơn hành chính vì chúng quá thiếu tổ chức.

Ông cũng tạo ra một chương trình đào tạo công việc chuyên biệt cho những người sẽ kế nhiệm mình. Nhờ đó, ông trở thành người được phân công giải quyết các dự án “nóng”. Điều này đã giúp Mark nhận được nhiều sự chú ý và đề bạt trong công ty: ông không phải ngồi ở bất cứ vị trí nào quá 18 tháng.

5. Tiết kiệm từng chút một

Hãy tập tiết kiệm ngay từ ban đầu và kiên định với thói quen đó. Đừng quan tâm khoản lương ban đầu nhiều hay ít mà hãy cố gắng tiết kiệm một khoản nho nhỏ khoản 10% mỗi kỳ lương để xây dựng một quỹ dành cho những việc khẩn cấp.

Hãy nhớ rằng, lãi kép chính là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những nhân viên trẻ tuổi nên tạo dựng thói quen tiết kiệm ngay từ lúc đầu sự nghiệp. Đó là một trong những cách mà công việc ban đầu có thể nuôi sống bạn suốt đời, theo đúng nghĩa đen