7 thói quen mỗi ngày để trở nên giàu có

Theo vnexpress.net

Mục đích của bạn là giàu có, tạo ra sự dư thừa chứ không chỉ là đủ sống. Vì thế bạn cần viết ra khung thời gian sẽ đạt được mục tiêu...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

"Thói quen hàng ngày có thể cho biết bạn sẽ thành công hoặc thất bại như thế nào trong tương lai", Thomas C Corley, người đã dành 5 năm để nghiên cứu thói quen hàng ngày của 177 triệu phú tự thân cho biết. Những thói quen có thể ngăn cản bạn đi đến giàu sang hoặc có thể khiến bạn từ bình thường trở thành triệu phú.

Dưới đây là 7 thói quen chỉ tốn 5 phút mỗi ngày của các triệu phú tự thân mà bạn nên học tập, nếu muốn giàu có, theo gợi ý của Business Insider:

1. Viết ra những mục tiêu tài chính cụ thể

"Nếu bạn muốn giàu có, bạn cần phải hành động. Hãy bắt đầu bằng cách viết ra những mục tiêu cụ thể cho thu nhập hàng năm cũng như giá trị ròng", triệu phú tự thân T. Harv Eker đã viết như thế trong cuốnSecrets of the Millionaire Mind (Bí mật trong suy nghĩ của các triệu phú).

Mục đích của bạn là giàu có, tạo ra sự dư thừa chứ không chỉ là đủ sống. Vì thế bạn cần viết ra khung thời gian sẽ đạt được mục tiêu, đừng sợ rằng mình đang suy nghĩ quá lớn và cũng đừng sợ thử thách bản thân.

"Một trong những lý do mà hầu hết mọi người không nhận được những gì họ muốn chính là do họ không biết mình muốn gì. Những người giàu hiểu rất rõ rằng mình muốn giàu có", Eker nhận xét.

2. Gửi bưu thiếp cảm ơn

"Cách nói lời cảm ơn có thể phản ánh tính cách của bạn", Corley viết. Đừng gửi lời cảm ơn qua Facebook, Twitter hay các trang mạng xã hội khác. Hãy gửi bưu thiếp cảm ơn.

Hãy viết bưu thiếp cảm ơn khi một ai đó nhớ ngày sinh nhật của bạn, khi một khách hàng nhắc đến bạn, khi một người giới thiệu cho bạn một người quan trọng để liên lạc. Hoặc đơn giản gửi bưu thiếp để làm vui những thành viên trong gia đình hay bạn bè của bạn.

3. Tìm kiếm những phản hồi

"Sợ bị chỉ trích là lý do khiến chúng ta không muốn nhận thông tin phản hồi từ người khác," Corley viết. "Thông tin phản hồi rất cần thiết, giúp bạn hiểu được những gì đang tiến triển và những gì đang trì trệ. Phản hồi giúp bạn xác định liệu mình có đi đúng hướng. Tiếp nhận những phản hồi dù tốt hay xấu đều quan trọng cho việc học tập và phát triển".

4. Lập một danh sách những việc không làm

Đây là danh sách những việc bạn không bao giờ nên làm vì nó tốn thời gian hoặc đó là những thói quen xấu.Danh sách những việc không làm có thể là “Hôm nay, không xem ti vi quá một giờ”, “Hôm nay, không ngồi tán gẫu”, “Hôm nay, không mua sắm bốc đồng”

Tất nhiên, chỉ một danh sách những việc không nên làm không thể giúp bạn thành công. Nếu làm những việc có ích là quan trọng, thì không làm những việc vô bổ cũng quan trọng không kém. Những người giàu trong nghiên cứu của Corley đều thành công nhờ siêng năng làm một số việc mỗi ngày và siêng năng tránh xa một số việc mỗi ngày.

5. Những cuộc gọi 5 phút

Những cuộc gọi 5 phút có thể đưa bạn đi rất xa.Theo nghiên cứu của Corley, 80% những người giàu sẽ gọi điện để chúc mừng sinh nhật, để hỏi thăm, để nói chuyện nhân các sự kiện trong cuộc sống trong khi tỷ lệ người nghèo làm những việc này chỉ là lần lượt 11%, 26% và 3%.

“Các chi tiết nhỏ quan trọng”, Corley nhấn mạnh. Chúng cho phép bạn xây dựng mối quan hệ với những người thành công, có đầu óc khác. Đây là một thói quen cơ bản của những người giàu. Bạn càng biết nhiều về những người mà bạn gắn bó, bạn càng giao tiếp với họ hiệu quả hơn.

6. Thay vì nói “hoặc”, hãy nói "cả hai"

Hãy thực hành suy nghĩ và tạo ra cách “có cả hai”, Eker viết. Bất cứ khi nào buộc phải lựa chọn, bạn hãy tự hỏi: "Liệu tôi có thể có được cả hai".

Người giàu không bao giờ nói "hoặc", họ nói "cả hai", bởi vì họ biết họ có thể có tất cả.

Không ở đâu suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như khi đề cập đến tiền bạc. Theo Eker, những người không giàu thường nghĩ rằng họ buộc phải lựa chọn giữa tiền và những yếu tố khác trong cuộc sống.

7. Tự nhủ rằng mình xứng đáng được giàu

"Những người trung bình nghĩ rằng giàu có là đặc ân dành cho những người may mắn", triệu phú tự thân Siebold viết. Sự thật là trong một nền kinh tế thị trường, bạn có quyền giàu nếu bạn sẵn sàng tạo ra những giá trị to lớn cho người khác.