Cách chi tiêu hợp lý không bị thâm hụt


(Tài chính) Hầu hết chúng ta đều sẽ bị bội chi vào một lúc nào đó khiến ngân sách gia đình bị thâm hụt. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vung tay chi tiêu quá trán. Nhưng điều khiến chúng ta lo lắng, đó là bội chi có thể trở thành một thói quen hành vi khiến tiền của bạn cứ thất thoát không thể kiểm soát. Mỗi người đều có lí do riêng để tiêu tiền, và chìa khóa mấu chốt để chống lại sự bội chi là xác định được nguyên nhân của hành vi mua sắm. Sau đây là một số lí do có thể khiến bạn rơi vào tình trạng rỗng túi.

Chứng nghiện sale off thường gặp ở rất nhiều bạn trẻ, khiến chi tiêu của họ rất lãng phí. Nguồn: internet
Chứng nghiện sale off thường gặp ở rất nhiều bạn trẻ, khiến chi tiêu của họ rất lãng phí. Nguồn: internet
Lý do "rỗng túi"?

Người tiêu dùng cảm tính

Bạn mua sắm vì nó khiến bạn cảm thấy tốt hơn khi tinh thần bạn sa sút. Đây là lí do phổ biến ở khá nhiều chị em phụ nữ. Nguyên Anh (24t, nhân viên văn phòng) cho biết: “Mỗi khi buồn tôi lại có thói quen đi mua một cái gì đó để khỏa lấp nỗi buồn đó. Bây giờ thì việc mua đồ để thỏa mãn cảm xúc chán nản đã khiến tôi nghiện mua sắm vô tổ chức!”.

Người tiêu dùng cần năng lượng

Mua sắm khiến bạn cảm thấy được nâng cao tinh thần và vì thế, bạn mua sắm bất cứ lúc nào. Đây có thể nói là bệnh mua săm quá khích vì vui. Trương hợp này hầu như ai cũng từng mắc phải về việc bội chi khi vui vẻ. Vì khi đó, tâm trạng bạn có vẻ thoải mái và bạn dễ dàng xuất hầu bao hơn.

Kẻ mua hàng đãng trí

Bạn không để tâm đối với những khoản chi tiêu nhỏ, vì thế bạn cứ thoải mái mở hầu bao mà không biết bạn đã chi tiêu bao nhiêu. Lan Anh chia sẻ: “Mình hay mua mấy thứ lặt vặt như cột tóc, kẹp, sơn móng tay nhưng không để ý vì nghĩ nó là khoản tiền nhỏ. Nhưng đến cuối tháng mới phát hiện tài khoản giảm đáng kể cho những món hàng tích tiểu thành đại bội chi đó.”

Quan hệ xã hội

Bạn chi tiêu nhiều hơn khi đi chơi với bạn bè. Vì bạn có suy nghĩ “Lâu lâu đi với bạn bè một lần nên xả láng ăn chơi thôi!”. Chính suy nghĩ này sẽ khiến bạn vung tay quá trán, tạo nên những khoản chi tiêu không cần thiết.

Con nghiện đam mê giảm giá

Bạn không thể từ chối bất kì đợt giảm giá nào, ngay cả khi bạn không hề cần món hàng đó. Đây là chứng nghiện sale off thường gặp ở rất nhiều bạn trẻ. “Mỗi lần tôi canh có đợt giảm giá ở đâu là lao đến mua đồ về chất đống ở nhà dù có xài đến hay không vì tôi nghĩ dù sao một cũng lời một khoản lớn, mua về không dùng thì bán lại hoặc cho người khác. Nhưng kết quả món hàng thường sẽ bị xếp xó rồi bị lãng quên.”

Làm sao để ngăn cháy túi?

Nếu bạn thuộc một trong những nhóm người trên, thì sau đây là gợi ý giúp bạn giải thoát:

Người tiêu dùng cảm tính

Thay vì ngốn tiền vào mua sắm, bạn nên tìm ra nguyên nhân vấn đề tận gốc. Thử nói chuyện với một người bạn, tâm sự với chuyên gia tâm lý và hỏi chính bạn rằng bạn đang mua vì bạn cần món hàng đó hay chỉ vì bạn nghĩ nó sẽ khiến bạn cảm thấy khá hơn về tình trạng tồi tệ hiện tại. Mua sắm chỉ đơn thuần giúp bạn vượt qua cảm xúc hiện tại nhưng bội chi sẽ để lại tình cảnh gặp mì tôm đau đớn cả tháng sau.

Người tiêu dùng cần năng lượng

Thử tìm một vài hoạt động khác khiến bạn cảm thấy hưng phấn như khi tiêu tiền (khuyến khích những thứ miễn phí hoặc không quá đắt đỏ). Tập thể thao? Một hoạt động sáng tạo? Đi làm tình nguyện? Nếu bạn cảm thấy bạn cần một sự hồi phục và năng lượng thì mua sắm không bao giờ là lựa chọn thông minh.Bạn có thể thấy sung sướng khi sở hữu món hàng công nghệ đắt tiền đó trong phút chốc, nhưng bạn sẽ ôm cái ví rỗng ngậm ngùi lâu dài.

Kẻ mua hàng đãng trí

Trong vòng 1 tháng, nếu bạn có thói quen quét thẻ tín dụng thì hãy ngừng ngay lại và dùng tiền mặt để kiểm tra sức chi tiêu của bạn. Hoặc đừng để quá nhiều tiền trong ví. Kiểm soát và thống kê tất cả các khoản chi từ món hàng nhỏ nhất. Như vậy bạn có thể biết mình đã chi những khoản không cần thiết nào.

Quan hệ xã hội

Khi tiếp cận với các mối giao tiếp xã hội, bạn hãy thử đặt câu hỏi rằng bạn muốn chi một bữa tối đắt đỏ - điều chăc chắn gây đau đớn cho ví tiền của bạn - hay bạn chỉ muốn có khoản thời gian tuyệt vời cùng bạn bè.

Con nghiện đam mê giảm giá

Bạn cần sự giúp đỡ từ lời khuyên của những người có kinh nghiệm về vấn đề bạn có thật sự cần món hàng đó hay không, hoặc nó có phải là một đợt giảm giá hời hay chỉ là trò lừa đảo. Hơn hết là bạn cần một tinh thần vững vàng để tránh xa khỏi những mùa sale off rầm rộ. Luôn biết cách xác định mình muốn và cần mua gì.

Cách tốt nhất bạn nên lập một bảng thống kê chi tiêu hợp lý để kiểm soát dòng tiền của mình và những nhu cầu về mua sắm. Đôi khi bạn bị bội chi nhưng lại luôn nghĩ những món hàng bạn mua là cần thiết. Luôn xem xét kĩ càng khi mở hầu bao không bao giờ là thừa thãi.