Kiêng kỵ trồng hoa theo phong thủy

Theo Nguyễn Mạnh Linh Học viện Phong thủy Ngũ hành TT NCƯD Phong thủy Kiến trúc UAI, ĐHXD

Trong phong thủy nhà ở, các loại hoa, cây cảnh được cho là có thể sinh tài lộc, vượng tài là cây có lá tròn, lá to, lá mọc hướng lên… phù hợp theo đặc tính dương trong Kinh dịch (dương, hướng lên, động), chẳng hạn như trúc phú quý, lan…

Trong phong thủy thường chọn cây có lá rộng, thân to và dày. Nguồn: Internet
Trong phong thủy thường chọn cây có lá rộng, thân to và dày. Nguồn: Internet

 Loại cây này đặt chỗ có lợi cho tài lộc. Loại hoa, cây cảnh thứ hai thiên về hóa giải sát khí, là cây có lá rủ xuống, phù hợp theo đặc tính âm trong Kinh dịch (âm, hướng xuống, tĩnh), như xương rồng. Loại cây này đặt chỗ đất xấu. 
Thông thường, cây trồng trong nhà không nên chọn loại lá nhọn (lá kim), thân có tơ, như xương rồng, thông cảnh, tùng La hán… hay các loại cây cảnh lai ghép có cành rủ xuống, gây ra ám thị tâm lý không muốn phát triển, ảnh hưởng đến tài vận. Do đó, trong phong thủy thường chọn cây có lá rộng, thân to và dày.
Về số lượng, do quan niệm Kinh dịch số lẻ là dương, nên người ta có xu hướng chọn số cây lẻ. Tuy vậy, cũng lưu ý không nên chọn quá nhiều hoặc quá cao, ảnh hướng đến sự thông thoáng, làm mất cân bằng sinh thái. Trong nhà thường chọn trong khoảng 1 - 5 chậu cây là vừa.

Còn thực tế thì phải tùy theo diện tích để quyết định, số cây phù hợp, hình dáng đẹp, không gây độc hại cho con người. Cũng không nên quá cầu toàn. Diện tích khoảng 15m2 thì dù cây to hay nhỏ cũng chỉ nên trong khoảng 3 - 5 chậu. Nếu quan tâm đến môi trường xanh, thì ngoài màu sắc, hình dạng còn cần chú ý đến khả năng làm sạch không khí.

Đa số cây ban ngày hấp thụ khí độc như CO2 và nhả ra ôxi; còn ban đêm thì ngược lại hấp thụ oxy và nhả ra CO2. Đó là lý do không nên để cây xanh trong phòng ngủ. Tuy vậy họ cây dương xỉ có thể nhả ra oxy vào buổi tối, như Ngô công thảo (rong cúc), Ổ phượng (Platycerium)…

Rất nhiều cây đều có thể làm sạch không khí, giảm khí độc, tăng sức khỏe, nhưng ngược lại có nhiều cây khi đặt trong phòng lại trở thành ổ gây bệnh, làm bệnh cũ tái phát, sức khỏe kém đi, như cây xấu hổ, thiên lý… Phòng người bệnh không nên để chậu cây, vì đất trong chậu có thể sản sinh vi khuẩn, nấm… phát tán trong không khí, dễ dàng xâm nhập vào da, hệ hô hấp, tai… tăng thêm viêm nhiễm.

Trong quan niệm của phong thủy, vạn vật đều chia thành âm dương, cây cối cũng vậy. Cây thuộc dương đặt ở môi trường ẩm ướt râm mát sẽ khó phát triển và ra hoa, như hoa hồng, nhài, hoa mai, mẫu đơn, đỗ quyên, cúc… cần trồng ở nơi có ánh sáng. Cây thuộc âm có thể đặt lâu dài trong phòng thiếu ánh mặt trời và không thích hợp với nơi có ánh nắng, như vạn niên thanh, măng leo (thủy tùng), thiết mộc lan, môn cảnh Monstera…

Một số thực vật trung tính có thể chịu được ánh nắng vừa phải, dưới góc độ âm dương là những thực vật trong âm có dương, trong dương có âm, như hoa mộc (quế hoa), hàm tiếu… Những cây này muốn sinh trưởng cần phải có ánh nắng, nhưng chỉ hợp ánh nắng vừa phải, hoặc không bị chiếu trực tiếp.

Trong phòng mà trồng cây trái với quy luật âm dương, cây sẽ khó phát triển, môi trường sẽ mất cân bằng và bị phá hỏng, trong phong thủy gọi là hung tướng, hay điềm xấu, còn thực tế là sẽ tạo ra trường khí không ổn định, ảnh hưởng xấu đến tâm tư của mọi người.

Ngoài ra còn tránh trồng cây có độc tính hay nhả ra khí độc, mùi khó chịu. Nếu đặt quá nhiều cây có độc, hay đặt không đúng vị trí, kể cả cây nhựa, hoa giả, sẽ gây ra phản ứng bất lợi của cơ thể mà có thể ta chưa cảm nhận được. Các cây có độc tính như vạn niên thanh, ráy, bòng bòng…