Tiết kiệm đối với những cá nhân và hộ gia đình giàu có

Theo thuchanhtietkiem.com

(Tài chính) Trong phần lớn các bài thực hành tiết kiệm đã được đăng, chủ yếu chúng ta thảo luận về cách chi tiêu và thực hành tiết kiệm của những cá nhân và hộ gia đình có mức lương thu nhập chính từ thấp cho đến trung bình khá hàng tháng.

Còn đối với những cá nhân và hộ gia đình giàu có, những người đã có “hơn cả mức đầy đủ” phương tiện vật chất cần thiết trong cuộc sống như: nhà cửa, xe cộ, tài sản giá trị… Họ còn có nhiều tài khoản tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng có số dư nhàn rỗi vài tỷ đồng hoặc thậm chí vài chục tỷ đồng. Những người như vậy có cần phải thực hành tiết kiệm hay không? 

Câu hỏi này có lẽ chúng ta nên dành để hỏi tỷ phú Warren Buffet, người đã luôn đứng đầu danh sách những người giàu có nhất thế giới mọi thời đại trong nhiều năm qua. Nhưng theo suy nghĩ chủ quan của chúng tôi thì những cá nhân và hộ gia đình giàu có ở nước ta cũng nên tiếp tục thực hành tiết kiệm.

Ngoại trừ những cá nhân và hộ gia đình giàu có do được thừa kế tài sản của cha mẹ hay người thân, hoặc trở nên giàu có do những cơ duyên may mắn đặc biệt. Đa số cá nhân và hộ gia đình trở nên giàu có bằng con đường lương thiện, theo chúng tôi, chỉ có một số ít phần trăm là do may mắn. Còn lại phần lớn là do tài năng và những nổ lực lao động không ngừng của họ. Trong đó chắc chắn có phần của sự nổ lực thực hành tiết kiệm.

Chúng ta nên cổ vũ và trân trọng những cá nhân và hộ gia đình giàu có bằng con đường lao động chân chính và thực hành tiết kiệm khôn ngoan. Chẳng hạn như họ biết tích lũy các giá trị nhỏ ban đầu và biết đầu tư sinh lợi được nhiều hơn những người khác trong xã hội. Tuy nhiên như chúng tôi đã từng trình bày, bản chất của cuộc sống là sự vận động và thay đổi không ngừng. Vì vậy, đến mức độ giàu có nào đó mà người ta bắt đầu trở nên lãng phí và không tiếp tục làm việc hay tiết kiệm nữa, thì có thể sẽ không còn giàu có mãi được. Cho nên thực hành tiết kiệm không bao giờ là lỗi thời, ngay cả đối với những người giàu có nhất trên thế giới.

Vận động không ngừng để trở nên giàu có

Phần lớn những người giàu có nhất trên thế giới luôn biết sống rất cẩn thận và chừng mực. Họ tiêu xài vừa phải và dành phần lớn quỹ thời gian cũng như tiền bạc của mình để làm công tác từ thiện và giúp đỡ cộng đồng. Nhưng những đồng tiền của họ luôn sinh sôi nãy nở và mang lại các giá trị cho rất nhiều người khác ngoài bản thân họ.

Đa số người dân nước ta vẫn còn sống ở mức trung bình và thấp. Nên chúng tôi rất ngưỡng mộ những người giàu có một cách chân chính tại Việt Nam. Chúng tôi thật sự thán phục sự phấn đấu vươn lên của họ. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng việc “tiết kiệm” của những người giàu có này, sẽ có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho họ, cũng như cho xã hội và cho đất nước qua các hoạt động thiết thực sau đây:

- Ủng hộ nhiều hơn nữa trong việc mua sắm và tiêu dùng hàng nội địa.

- Tham gia đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng,  nếu họ là những nhà đầu tư tài chính cá nhân và tổ chức.

- Góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường.

- Thường xuyên trích một phần thu nhập và lợi tức của mình để ủng hộ cho các họat động và chương trình từ thiện một cách vui vẻ.

- Tuân thủ các quy định và nghĩa vụ về đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước hàng năm...

Chúng ta cũng tôn trọng, nhưng không ủng hộ một số người giàu có hoặc rất giàu có nhưng lại tiết kiệm đến mức không dám chi tiêu. Đến khi họ mất đi, khối tài sản to lớn để lại cũng không còn nhiều giá trị và ý nghĩa nữa. Những người này có lẽ đã lãng phí các cơ hội tốt của họ trong việc chia sẻ và đóng góp cho cuộc sống.

Một số người giàu có khác, lại hay thích phô trương và thể hiện sự giàu có của mình một cách không cần thiết. Tốt nhất là nên hạn chế hoặc tránh được sự phô trương giàu có quá mức thì càng tốt. Denis Diderot đã từng nhận xét rằng: “Nếu sự phô trương đó không vượt qua tài sản của họ, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng nếu sự phô trương đó vượt qua tài sản của họ, họ sẽ hủy diệt chính mình”.

Tóm lại, những cá nhân và hộ gia đình giàu có, khi đã tích lũy đủ để không phải bận tâm lo lắng về vấn đề tài chính của mình, hay gia đình mình nữa, là những người có điều kiện tốt và có quyền để thưởng thức cuộc sống vật chất nhiều hơn những người khác. Họ cũng có điều kiện thuận lợi để góp phần xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước. Có lẽ họ cũng nên tiếp tục thực hành tiết kiệm theo cách mang lại giá trị cho nhiều người chung quanh hơn, như phong cách tiết kiệm nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett.

Warren Buffett được cả thế giới xem như là một bậc thầy trong nghệ thuật tiết kiệm cá nhân và đầu tư sinh lợi, người luôn trung thành với cách sống tiết kiệm căn cơ cả cuộc đời mình. Tính đến nay, ông đã đóng góp cho các hoạt động từ thiện trên 30 tỷ đô-la.