Nhảy việc thông minh, hãy không ngừng nâng cao giá trị bản thân

Theo PV/doanhnhansaigon.vn

Sau mỗi lần nhảy việc, bạn không thể để giá trị bản thân “dặm chân tại chỗ” được. Nghĩa là bạn chỉ có thể tiếp tục làm các công việc có vị trí và mức lương tương đương.

Sau mỗi lần nhảy việc, bạn không thể để giá trị bản thân “dặm chân tại chỗ” được. Nguồn: internet
Sau mỗi lần nhảy việc, bạn không thể để giá trị bản thân “dặm chân tại chỗ” được. Nguồn: internet

Như vậy có phải bạn đang phí thời gian và sức lực cho những lần nhảy việc hay không? Làm thế nào để ngày càng nâng cao giá trị bản thân, đặc biệt là sau mỗi lần nhảy việc? Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Phát triển bản thân

Một môi trường làm việc mới, tính chất công việc cũng khác hơn so với công việc cũ sẽ là thử thách đối với bạn. Giá trị bản thân của bạn sẽ được khẳng định và nâng cao khi bạn biết vận dụng những nguồn kiến thức sẵn có và sự linh hoạt để đáp ứng nhanh những yêu cầu trong công việc mới.

2. Không nhảy việc trái ngành

Có nhiều người hi vọng khi chuyển sang một ngành hoàn toàn mới, nhiều thử thách hơn sẽ là cơ hội phát triển và nâng cao giá trị bản thân. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Bạn chỉ có thể tốt hơn nếu được phát huy khả năng ở những môi trường phù hợp. Nếu chỉ vì muốn thử sức ở một lĩnh vực khác, không những chỉ khiến giá trị của bạn “dặm chân tại chỗ” mà có thể nguy hiểm hơn khi bị “tụt dốc” không phanh.

Do đó, hãy cẩn trọng với những lựa chọn của mình.

3. Biết rõ mong muốn và hướng phát triển của bản thân

Một khi hiểu rõ được bản thân muốn gì, khả năng tới đâu và định hướng phát triển trong tương lai, bạn đã tự nâng tầm giá trị của mình lên một vị trí hoàn toàn khác.

Có rất nhiều người nhảy việc vì họ không biết công việc nào phù hợp hay môi trường nào tốt nhất với mình. Vì vậy, dù có nhảy việc bao nhiêu lần đi chăng nữa, họ vẫn sẽ mãi loay hoay trong chu kỳ buồn tẻ.

Vậy nên, một trong những bí quyết quan trọng nhất để nâng cao giá trị bản thân, đó là hiểu rõ bản thân và định hình được mong muốn của mình trong tương lai.

4. Có những so sánh về lợi ích

Sau mỗi lần nhảy việc, bạn nên lập ra một danh sách so sánh sự lựa chọn của mình với những cơ hội khác. Chẳng hạn, cơ hội phát triển nghề nghiệp tại công ty, khả năng hoàn thiện bản thân, mức lương, chế độ đãi ngộ,…

Bằng cách này, bạn sẽ có mục tiêu rõ ràng để hướng đến trên con đường sự nghiệp. Ngoài ra, nó sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn chính xác và phù hợp với bản thân mình nhất.

Giá trị bản thân của bạn phụ thuộc vào những quyết định do bạn đưa ra. Bằng cách “khó tính” hơn với những yêu cầu trong công việc mới, giá trị bản thân của bạn sẽ được nâng tầm đáng kể.

5. Thử sức ở vị trí cao hơn

Nếu bạn đã có kinh nghiệm nhảy việc kha khá, thì tại sao không thử sức ở một vị trí cao hơn? Với những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được cũng đủ để thách thức bản thân.

Ở vị trí cao hơn, bạn sẽ có cơ hội phát triển và mở rộng kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc. Hãy tự mình trải nghiệm và nâng cao giá trị bản thân.

Nắm được những bí quyết trên, bạn đã bước đầu xác định được phương hướng làm cách nào để nâng tầm giá trị bản thân mỗi ngày. Từ đó, bạn sẽ có được những cơ hội tốt hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.