Những địa danh “vàng” có nguy cơ biến mất trong tương lai gần

Theo Dung Trần/sgtiepthi.vn

Quỹ Di tích Thế Giới (WMF) vừa công bố danh sách 25 địa điểm “vàng” có nguy cơ bị mất đi do thảm hoạ tự nhiên, sự phát triển bất hợp lý, chính sách mới và cả chiến tranh…

Cứ hai năm một lần, WMF tiến hành sàng lọc, khảo sát hàng trăm địa danh nổi tiếng nhất thế giới được đề cử từ các chuyên gia quốc tế và công bố tình trạng cảnh báo cần được bảo tồn khẩn cấp trước nguy cơ bị huỷ diệt.

Danh sách khoảng 250 đề cử lần này gồm các địa danh về tàn tích từ thời tiền sử đến các di tích văn hoá xã hội và nhiều địa danh khác trên khắp thế giới. Chúng phủ rộng trên khắp các lục địa, bao gồm cả những khu vực chưa từng được liệt kê trước đây.

Việc mất đi của những kho báu lịch sử này diễn ra một cách từ từ, không phải chỉ vì quá trình thiên tai, địa chấn mà còn bởi tác động từ con người. Nhiều người khó lòng nhận ra hiện trạng này cho đến khi nó đã quá muộn để biết đến. Theo Lonelyplanet, nếu bạn có dự định khám phá vùng đất có thể tương lai chỉ nằm trong câu chuyện kể thì hãy nhanh lên kế hoạch cụ thể.

Koutammakou, vùng đất của người Batammariba (Togo)

Những địa danh “vàng” có nguy cơ biến mất trong tương lai gần - Ảnh 1

Cảnh quan của Koutammakou với các công trình bằng bùn đất trở thành nét văn hoá độc đáo mang đậm bản sắc châu Phi. Nằm ở vùng núi phía Đông Bắc của Togo, kéo dài sang tận quốc gia Benin ở châu Phi, cảnh quan văn hoá này có diện tích khoảng 500 km2, nổi bật với những kiến trúc bằng bùn được gọi là Takienta.

Công trình này được cộng đồng người Batammariba xây dựng gồm các ngôi nhà, tháp, kho thóc có hình trụ, hình cầu, mái bằng hoặc mái hình nón và những bãi đá linh thiêng.

Người Batammariba xây dựng chúng bằng cách làm ẩm đất tạo thành bùn hoặc tạo thành những viên gạch bằng bùn để xây dựng và sau đó những ngôi nhà này được ánh nắng mặt trời tự làm khô cứng. Một số ngôi nhà còn được dựng hàng rào gỗ bên ngoài và những giàn giáo để nâng đỡ cấu trúc.

Vườn quốc gia Rapa Nui (Chile)

Những địa danh “vàng” có nguy cơ biến mất trong tương lai gần - Ảnh 2

Những tượng đá tại Rapa Nui.Trên thế giới hiện nay có khoảng 1.100 kỳ quan thiên nhiên thế giới đang bị đe dọa, trong số đó có những cái tên đang đứng trên bờ vực sắp biến mất Đảo Phục sinh hay còn gọi là Rapa Nui, Chile.

Đây là một hòn đảo ở Đông Nam Thái Bình Dương, thuộc chủ quyền Chile, nằm ở cực Đông Nam Tam giác Polynesia. Đảo Phục Sinh nổi tiếng vì 887 bức tượng đá, gọi là moai, được tạo ra bởi người Rapa Nui cổ từ những năm 1250. Bức tượng lớn nhất được ghi nhận có chiều cao 10m và nặng 75 tấn.

Đến năm 1995, UNESCO công nhận đảo Phục sinh là một Di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn quốc gia Rapa Nui. Theo báo cáo của Ủy ban Môi trường Liên hợp quốc và UNESCO, mực nước biển ngày càng dâng lên, kèm với những đợt sóng lớn đang ngày một đe dọa đến sự bền vững của các bức tượng đá khổng lồ trên đảo.

Những địa điểm trong “danh sách báo động”

Theo thống kê, có đến 70 trong tổng số 229 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngành công nghiệp khai thác mỏ. Châu Phi là khu vực có nhiều di sản thiên nhiên bị đe dọa nhất với 41 địa điểm, tiếp theo là châu Á – Thái Bình Dương, khu vực Mỹ Latin…

Đền Choijin Lama (Mông Cổ) có nguy cơ biến mất bởi sự đô thị hóa quá nhanh.
Đền Choijin Lama (Mông Cổ) có nguy cơ biến mất bởi sự đô thị hóa quá nhanh.

Theo danh sách mà UNESCO công bố, ngoài các địa danh nêu trên còn có hơn 20 địa điểm khác nằm trong nguy cơ này như: Cung điện Alexan (Ai Cập), Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), vườn quốc gia Tusheti (Georgia), hệ thống thác nước của cao nguyên Deccan (Ấn Độ), đền Choijin Lama (Mông Cổ)…

Điều đáng nói là một số nước đang tỏ ra bất lực trước việc các hoạt động kinh tế như khai thác mỏ, dầu khí… tàn phá môi trường và di sản. Sự lấn át của các mục tiêu kinh tế như công trình nhà chọc trời, cầu cống, ống dẫn dầu, du lịch không kiểm soát được, săn bắn trái phép de dọa rất nhiều đến những địa danh, di sản trên thế giới.

Các công trình nhà chọc trời, các dự án cơ sở hạ tầng, sông ngòi, kênh rạch, đường xá và cầu cống, ngành khai thác mỏ, rừng, khí đốt, dầu mỏ cũng như việc săn bắt trái phép động vật cho mục đích thương mại gây ảnh hưởng không nhỏ đến các di sản. Nhiều di sản còn là nạn nhân của chính sự thành công của sự tăng trưởng của ngành du lịch.