Những nghề hốt bạc mùa dịch COVID-19

Theo Phong Anh/cstc.cand.com.vn

Dịch COVID-19 có xu hướng ngày càng phức tạp hơn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế chung. Tuy nhiên, trong cái “khó lại ló cái khôn”, vẫn còn một số nghề phát huy được lợi thế của mình.

Rất nhiều shipper đồ ăn kiếm tiền triệu mỗi ngày mùa dịch Covid-19. Nguồn: internet
Rất nhiều shipper đồ ăn kiếm tiền triệu mỗi ngày mùa dịch Covid-19. Nguồn: internet

1. Giao hàng online

Những ngày này, người dân được khuyến cáo ở nhà nếu không có việc quá quan trọng. Tránh đến chỗ đông người, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Nhiều người đã lựa chọn phương án mua đồ tích trữ dài ngày để hạn chế ra ngoài. Lúc này nghề giao hàng online, giao thức ăn nhanh lại là một nghề hốt bạc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các địa điểm ăn uống ở Hà Nội, có rất đông các shipper xếp hàng chờ đến lượt nhận hàng đi giao. Còn tại các tòa nhà văn phòng, công sở, giờ nghỉ trưa nhân viên giao đồ ăn đứng đông nghẹt cổng.

Anh Nguyễn Công Tám (nhân viên văn phòng ở quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Ngày thường, tôi thường xuyên cùng đồng nghiệp đi ăn ở hàng quán vỉa hè hoặc quán ăn công sở. Thế nhưng, vài tháng nay vì lo ngại dịch COVID-19 nên mọi người đều hạn chế ra khỏi phòng và không tụ tập cùng ăn uống. 100% nhân viên của công ty tôi lựa chọn gọi món trên các ứng dụng giao đồ ăn, vừa nhanh lại vừa an toàn”.

Rõ ràng việc lựa chọn đặt đồ ăn qua các ứng dụng là lựa chọn hết sức phù hợp và sáng suốt trong mùa dịch như hiện nay. Người mua sẽ không phải chen chúc, tiếp xúc với nhiều người. Họ hoàn toàn có thể nhận được đồ ăn thơm ngon, tùy theo sở thích khẩu vị, bên cạnh đó việc thanh toán lại khá dễ dàng.

Chính vì xu hướng này, những người làm nghề shipper lại có cơ hội “hốt bạc”. Anh Hoàng (29 tuổi, tài xế Now Food) tiết lộ: “Do nhiều người sợ dịch COVID-19 không dám ra ngoài nên họ đặt đồ ăn online rất nhiều. Khoảng 2 tháng nay tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, đặc biệt là vào thời điểm trưa và tối. Trung bình, mỗi ngày tôi giao từ 30-40 cuốc đồ ăn là chuyện bình thường, trừ các chi phí, cộng cả tiền khách “bo” tôi có thể kiếm được gần 1 triệu đồng”.

Anh Lê Văn Bình (30 tuổi, tài xế Grab) nói: “Gần đây khách đặt đồ ăn qua ứng dụng Grab Food tăng đột biến. Trước kia, mỗi ngày tôi chỉ có 5 đến 10 đơn thì nay tăng gấp 4 lần. Bên cạnh đó, vào giờ cao điểm, khách đặt thức ăn chi phí cũng được tính cao hơn. Nếu gặp may, tôi có thể thu thập từ vài trăm đến 1 triệu đồng mỗi ngày".

Bên cạnh việc giao đồ ăn online thì shipper các mặt hàng khác như cà phê, trà sữa, mỹ phẩm, quần áo… cũng tăng thu nhập đáng kể nhờ số lượng khách đặt hàng gia tăng. Bởi vì, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trên đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website... Thậm chí, họ cũng không ngần ngại điện thoại tư vấn trực tiếp cho khách hàng, rồi sau đó bố trí nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách.

2. Bán thực phẩm chức năng

Một số doanh nghiệp đã biết tận dụng cơ hội, khiến cho doanh số bán hàng tăng nhanh trong mùa dịch. Đơn cử là các công ty chuyên phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng.

Chia sẻ của giám đốc kinh doanh của một công ty chuyên về thực phẩm chức năng cho hay: Dù đã có một số công ty bị ngừng trệ nhưng công ty này đã có những thay đổi tích cực như tổ chức các buổi đào tạo, tư vấn bán hàng trực tiếp qua các kênh online. Mọi người ở nhà phòng dịch nhiều nên nhu cầu tương tác online tăng cao. Mình cứ tập trung tư vấn qua các kênh như website, Facebook, Zalo… cũng có thể chia sẻ thông tin tới mọi người.

Thực phẩm chức năng vốn đã rất hot nay lại càng nở rộ trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Thực phẩm chức năng vốn đã rất hot nay lại càng nở rộ trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Qua tìm hiểu, các sản phẩm được nhiều người tìm kiếm như tỏi đen và một số thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch. Chị Lê Thu Hường, chủ một cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội cho biết: “Từ ngày có dịch COVID-19, nhiều người bắt đầu chú ý đến các loại thực phẩm này”.

3. Dịch vụ trông trẻ đắt khách

Trong lúc đang thất nghiệp vì trường mầm non tư thục bị đóng cửa do dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Hằng (Phú La, Hà Đông) đã lên hội nhóm “Người tìm việc, việc tìm người” và đăng tin nhận trông trẻ theo giờ, ngày. Bất ngờ là dòng tin chị Hằng đăng chưa đầy 30 phút đã có rất nhiều cuộc gọi muốn thuê chị. Sau khi cân nhắc, chị Hằng đã nhận lời trông trẻ cho một gia đình ở chung cư Victorya (Hà Đông).

Tiền công trông một đứa trẻ 4 tuổi mà chị Hằng nhận được là 300.000 đồng/ngày. Việc của chị là cho bé ăn, ngủ, nghỉ đúng giờ theo yêu cầu của phụ huynh. Khi bé thức, chị Hằng sẽ dạy bé học hát, tập tô giống như đang ở trường.

Chị Hằng chia sẻ: “Trông trẻ tại nhà nhàn hơn nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều so với lương mà trường tư thục trả. Nhưng nói gì thì nói nó cũng chỉ là công việc tạm thời, lấp chỗ trống thôi, chứ tâm lý của chúng tôi ai cũng mong hết dịch để trở lại trường dạy học”.

Cũng giống như chị Hằng, chị Lê Thu Hường cũng vừa mới nhận lời trông 2 đứa trẻ, 3 tuổi và 5 tuổi tại gia. Vì phải trông cùng lúc 2 đứa trẻ nên mức lương mà chị Hường nhận được là 450.000 đồng/ngày. Chị Hường cho biết: “Vợ chồng tôi vẫn đang phải ở nhà thuê nên nếu nghỉ việc ở trường mầm non mà chỉ ở nhà thì chắc là chết đói. Vậy nên tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải xoay sang trông trẻ thuê tại nhà để có tiền trang trải cuộc sống”.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn thuê được người có chuyên môn về trông trẻ. Chính vì vậy sẽ đành phải thuê những người là lao động tự do. Nhu cầu nhiều nên dịch vụ này ngày càng nở rộ. Đó cũng là cơ hội để những người không có công ăn việc làm ổn định có được thu nhập, thậm chí là thu nhập cao.

4. Kiếm bộn tiền nhờ bán cam vắt tại chỗ

Do quan niệm uống nhiều nước cam sẽ có khả năng ngăn ngừa, chống lại dịch Covid-19 nên nhiều người đã tìm đến dịch vụ này. Cung ắt có cầu. Hiện nay, trên các phố như Bà Triệu, Lê Văn Lương kéo dài, phố Hào Nam và một số tuyến phố khác đã xuất hiện dịch vụ vắt nước cam tại chỗ.

Nước cam vắt bán dọc đường cũng là một nghề “lên ngôi” trong những ngày qua.
Nước cam vắt bán dọc đường cũng là một nghề “lên ngôi” trong những ngày qua.

Chị Phạm Thị Khánh, 42 tuổi (Hoài Đức, Hà Nội), là người bán cam vắt tại chỗ trên phố Bà Triệu cho biết: “ Trước thì tôi cũng bán nhưng không được nhiều lắm, ngày cao nhất cũng chỉ bán được 50kg thôi. Nhưng kể từ hôm có dịch, lượng người mua cam tăng lên đáng kể, mà số lượng họ mua cũng nhiều hơn. Có ngày tôi vừa vắt, vừa bán cam tươi được tới 2 tạ. Gần hết tôi lại gọi điện nhờ chồng mang ra. Cam vắt ra đến đâu bán hết đến đó. Có người trên đường đi làm họ mua nước cam để uống thay nước luôn. Cũng có người lúc tan tầm mua về cho gia đình có khi tới vài chục chai”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cam bán ở đây có nguồn gốc từ Tuyên Quang, Hà Giang... giá nhập rẻ nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 1kg cam sẽ vắt được khoảng 500ml nước cam được đóng vào chai, giá mỗi chai 330ml là 15.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Hội, bán cam trên phố Hào Nam chia sẻ: “Khách hàng nhiều, lượng tiêu thụ lớn là những người buôn bán như chúng tôi mừng lắm rồi. Ngày ít tôi cũng lãi được vài trăm, ngày nhiều có khi lên tới tiền triệu. Thu nhập như vậy cũng là toại nguyện lắm rồi”.