Ô tô điện tương lai có thể sạc pin cho nhau cả trong lúc di chuyển

Theo Quỳnh Lâm/doanhnhansaigon.vn

Các mẫu ô tô điện trong tương lai có thể truyền điện năng cho nhau cả khi đang di chuyển trên cao tốc, giống như khi các máy bay chiến đấu nạp nhiên liệu trên không hiện nay.

Ý tưởng sạc pin cho ô tô điện cả khi xe đang di chuyển trên cao tốc cũng tựa như cách mà các máy bay chiến đấu tiếp nhiên liệu trên không. Nguồn: internet
Ý tưởng sạc pin cho ô tô điện cả khi xe đang di chuyển trên cao tốc cũng tựa như cách mà các máy bay chiến đấu tiếp nhiên liệu trên không. Nguồn: internet

Như chúng ta đã biết, máy bay chiến đấu không thể mang trên mình những bình chứa nhiên liệu lớn, vì điều này sẽ làm giảm tốc độ đáng kể và đương nhiên cũng làm hạn chế khả năng tác chiến linh hoạt. Chính vì điều này, các nhà khoa học đã phải lựa chọn phương pháp cho phép máy bay chiến đấu tiếp nhiên liệu ngay lúc đang bay trên không trung, thay vì buộc phải quay về căn cứ để nạp đầy nhiên liệu. Những máy bay chứa nhiên liệu để cung cấp cho máy bay chiến đấu thường mang rất nhiều xăng và cũng được ví von như là một “trạm xăng di động”.

Nói đến đây, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ liệu như vậy các mẫu ô tô điện (EV) có khi nào cũng ứng dụng được cách sạc pin cả khi đang di chuyển trên đường giống như máy bay chiến đấu hay không? Hãy thử tưởng tượng, khi chiếc xe của bạn cần cung cấp thêm một ít điện năng và nếu có một chiếc EV khác ở phía trước đang dư nguồn năng lượng, lúc này hai xe có thể kết nối và sạc pin cho nhau thông qua một cầu nối có độ linh hoạt cao một cách dễ dàng. Một khi hoàn tất, bạn lại có một lượng pin cần thiết để tiếp tục cuộc hành trình thay vì phải dừng lại hẳn và tìm chỗ sạc pin.

Có thể nhận thấy ưu điểm rõ rệt của ý tưởng độc đáo này chính là giúp bạn tiết kiệm thời gian nhờ khả năng sạc trong lúc di chuyển, thay vì phải ngồi yên một chỗ chờ sạc pin cho xe. Theo Swarup Bhunia - giáo sư khoa kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Florida (Gainesville), việc chia sẻ năng lượng pin theo cách ông và các đồng nghiệp của mình nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được phát triển và tương lai sẽ không chỉ là ô tô điện trên những con đường cao tốc, mà sẽ là tất cả phương tiện di động khác. Ông và các đồng nghiệp gọi đây là phương pháp sạc peer-to-peer (sạc ngang hàng) cho ô tô điện.

Cũng theo giải thích của vị giáo sư này, mục đích của việc nghiên cứu phương pháp sạc pin cho ô tô điện mô phỏng cách tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay nhằm giúp giải quyết hai vấn đề chính. Một là mức chi phí cao và mối quan ngại về quãng đường di chuyển của xe điện hiện nay. Được biết, chi phí pin cho ô tô điện trong năm 2019 chiếm 1/3 của một chiếc xe hạng trung. Mức chi phí này tuy đã giảm so với nhiều năm trước, nhưng vẫn là một giá trị rất lớn. Người dùng ô tô điện hiện nay cũng chỉ có thể di chuyển được một hành trình ngắn trong khi vẫn rất mong muốn xe có thể đi xa hơn nữa.

Phương pháp sạc pin cả khi xe đang di chuyển của Swarup Bhunia hoạt động bằng cách chia nhỏ các cell pin thành những khối độc lập. Ngoại trừ những khối pin dùng để “nuôi” motor đang vận hành, chỉ những khối pin khác mới được dùng để sạc trong lúc xe đang di chuyển. Nếu “trạm nhiên liệu” di động phía trước là một chiếc xe tải chạy bằng pin, chiếc EV của bạn có thể nhận một nguồn năng lượng điện được cấp thêm đủ cho việc di chuyển tiếp 20 dặm (hơn 32km), ông Swarup Bhunia khẳng định. Mặc dù một chiếc xe tải dùng pin chỉ có thể sạc cho một chiếc ô tô điện cùng lúc, nhưng mỗi chiếc EV với năng lượng đã đầy lại có thể chia sẻ vài Watt giờ cho những chiếc EV khác gặp trên đường.

Phương pháp sạc peer-to-peer của Giáo sư Swarup Bhunia luôn giữ hai xe trong một khoảng cách cố định để các "cầu nối" và tiếp điểm sạc luôn có tiếp xúc tốt nhất
Phương pháp sạc peer-to-peer của Giáo sư Swarup Bhunia luôn giữ hai xe trong một khoảng cách cố định để các "cầu nối" và tiếp điểm sạc luôn có tiếp xúc tốt nhất
 

Vậy có hay không những nhược điểm trong phương pháp sạc pin xe hơi điện theo phong cách máy bay chiến đấu này? Câu trả lời là có. Chính Giáo sư Swarup Bhunia khẳng định điều này. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ không phải là những vấn đề quá lớn lao nhất là với những chiếc xe tự lái ra đời. Không gì có thể giữ cho hai chiếc xe chạy thẳng hàng với khoảng cách cố định một cách chính xác để việc sạc pin diễn ra ổn định nhất ngoài robot. Ngay cả khi những chiếc EV được chính bạn điều khiển, đừng quá lo vì hệ thống hỗ trợ tự động sẽ giúp bạn tựa như những phi công trong quá trình nạp nhiên liệu trên không vậy.

Swarup Bhunia cũng cho biết thêm, việc bạn chia sẻ năng lượng pin từ xe mình cho một ai đó là không hoàn toàn miễn phí. Sẽ có một hệ thống quản lý trung tâm chuyên kiểm soát việc chia sẻ năng lượng pin cho ai đó và sẽ hoàn trả bằng tiền mặt hoặc qua thẻ tín dụng. Hiện tại, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ xây dựng một hệ thống quản lý trung tâm hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây.

Có thể nói, phương pháp sạc pin trong lúc di chuyển mang lại những lợi ích không ít cho gần như hầu hết thiết bị di động có thể tự di chuyển được. Các dịch vụ cung cấp bot giao hàng sẽ càng được lợi hơn khi không phải tốn thời gian để tìm kiếm ổ điện khi cần tái cấp năng lượng hoạt động. Chắc chắn các cơ quan quản lý an toàn đường bộ cũng sẽ hưởng ứng trước đề cập hoán đổi năng lượng tốc độ cao này. Tuy nhiên, nhiều khả năng các bác tài EV sẽ còn phải chờ đợi giải pháp sạc pin mới nói trên một khoảng thời gian khá lâu nữa.