Phát huy giá trị các vùng đất ngập nước

Theo Huy Sơn/nhandan.com.vn

Các vùng đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học (ĐDSH), cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc bảo tồn các vùng ĐNN giàu tài nguyên luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu ha ĐNN được phân bố ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, bãi bùn, vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Việt Nam có 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và hơn 11 nghìn loài động, thực vật sống ở hệ sinh thái ĐNN biển, ven biển.

Ngoài ra, nhờ tính đa dạng của các kiểu loại ĐNN đã tạo nên sự phong phú về loài, cung cấp lương thực, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD (năm 2016). Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng ĐNN giàu tài nguyên và ĐDSH luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước thời gian qua.

Một thông tin đáng mừng là trong năm 2019, Khu Bảo tồn thiên nhiên ĐNN Vân Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) vinh dự được Ban thư ký Công ước Ramsar trao bằng công nhận là khu Ramsar số 2.360 của thế giới (khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam). Vân Long là một vùng ĐNN nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở đồng bằng sông Hồng, bao gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho khu bảo tồn có một hệ thống đá vôi bao bọc với hệ thống hang động đẹp, thảm thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái.

Đây là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và hiện chỉ còn ở Việt Nam. Khu bảo tồn này còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư chung quanh, bao gồm cả nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, nhất là vẻ đẹp danh lam thắng cảnh thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và nước ngoài tham gia du lịch sinh thái tại khu bảo tồn hằng năm...

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH đều chung nhận định: Công tác quản lý ĐNN ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn như: ngày càng chịu tác động mạnh mẽ do các hoạt động phát triển kinh tế của con người và của biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều vùng ĐNN đã bị biến mất; diện tích các vùng ĐNN bị suy giảm do sức ép khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến ĐDSH bị suy giảm, số lượng các loài nguy cấp, quý hiếm đang ở mức đe dọa do đánh bắt quá mức.

Đáng lo ngại, một số khu vực ĐNN tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị xây đê bao ngăn lũ, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị cô lập và giảm kết nối với khu vực chung quanh. Mặt khác, hệ thống pháp luật về ĐNN ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành, lĩnh vực liên quan đến ĐNN còn thiếu sự thống nhất và chưa rõ ràng như: việc quản lý, phục hồi, sử dụng bền vững các vùng ĐNN có giá trị ĐDSH chưa được quy định đầy đủ; thiếu quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích các bên liên quan trong sử dụng tài nguyên ĐNN; thiếu các chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn ĐDSH vùng ĐNN...

Để phát huy giá trị các vùng ĐNN, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, ngày 29-7-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN. Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng ĐNN phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và ĐDSH của vùng ĐNN; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng ĐNN; khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên cả nước...

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường đề nghị, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP đã đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của các vùng ĐNN đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng ĐNN; dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng ĐNN và thúc đẩy phục hồi các vùng ĐNN bị suy thoái.

Các cơ quan có liên quan cần thực hiện tốt việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN và hạn chế đến mức thấp nhất việc tháo nước, gây mất nước tại các vùng ngập nước để góp phần chống lại BĐKH trên toàn cầu; lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương một cách hiệu quả và bền vững...