Sàn thương mại điện tử: Hãy vì người tiêu dùng

Theo Nguyễn Minh/http://thoibaonganhang.vn

Mới đây, 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn của Việt Nam gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn cũng đã tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT". Sự kiện này thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.

 5 sàn TMĐT lớn của Việt Nam gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn cũng đã tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT".
5 sàn TMĐT lớn của Việt Nam gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn cũng đã tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT".

Khi thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh cũng đồng nghĩa với giao dịch trực tuyến tăng cao. Các DN, cá nhân đăng tải thông tin mua bán trên sàn TMĐT trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thời gian qua các sàn TMĐT bị phản ánh nhiều về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn bán công khai mà không có sự kiểm soát. Bởi vậy, các DN kinh doanh sàn TMĐT đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Thị trường mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đang ngày càng sôi động hơn và dần trở thành xu hướng tiêu dùng mới, nhất là trong giới trẻ. Theo hệ thống nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam hiện có 51,1 triệu người mua sắm online, kinh doanh trực tuyến kỳ vọng thu về 2,7 tỷ USD, tương đương tăng trưởng 19,9% trong 2019.

Song song với những lợi thế đem lại thì tình trạng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, gây nhiều tổn thất đối với người tiêu dùng và chính uy tín của các sàn TMĐT ở Việt Nam. Để xử lý vấn nạn này, không chỉ cần các cơ quan chức năng vào cuộc, mà chính các DN quản lý sàn TMĐT cũng cần có những giải pháp ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng.

Thực tế, đã có một số người tiêu dùng cho rằng họ đã bị lừa khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng không như quảng cáo đăng tải trên web. Anh Nguyễn Minh Thắng (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ, mới đây anh có đặt mua đôi giày Adidas trên một trang mạng TMĐT nổi tiếng được quảng cáo chính hiệu nhập trực tiếp từ châu Âu với giá rẻ hơn nhiều khi mua ở Việt Nam và anh đặt cọc trước 20%. Nhưng khi sản phẩm đến tay, anh Thắng đã mang ra so sánh với cùng đôi giày đó tại một cửa hàng ủy quyền tại Việt Nam mới biết mình mua phải đôi giày nhái.

Anh Thắng cho biết, nếu nhìn bình thường thì cũng khó phân biệt hàng thật hay giả bởi công nghệ làm nhái hiện nay rất tinh vi. Anh rất bức xúc và có cảm giác bị lừa. Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những lo ngại lớn nhất khi mua sắm qua các sàn giao dịch TMĐT nói riêng và mua sắm trực tuyến nói chung, anh Thắng chia sẻ.

Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái từ lâu đã là bài toán nan giải không chỉ đối với các sàn TMĐT hay kinh doanh trực tuyến, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều trở ngại. Theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương), mặc dù đã có rất nhiều biện pháp xử lý, nhưng thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Theo Ban chỉ đạo 398 Quốc gia, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đặc biệt là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này còn vấp phải nhiều trở ngại do thiếu sự kiểm soát và pháp lý, chế tài xử lý…

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong việc mua sắm trên các sàn TMĐT, các cơ quan chức năng như  Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục TMĐT – Kinh tế số… đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh tay xử lý. Mới đây, 5 sàn TMĐT lớn của Việt Nam gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn cũng đã tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT". Sự kiện này thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua bản thân các DN cũng đã có những giải pháp riêng nhằm ngăn chặn và kiểm duyệt ngay từ đầu đối với những mặt hàng được bán trên website của mình.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, để hạn chế tình trạng này thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như hoàn thiện khung khổ pháp lý, rà soát, phân loại các website ứng dụng; Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Các giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật.