Shopee, Gojek tăng trưởng chóng mặt nhờ dịch Covid-19

Theo Phương Thảo/zingnews.vn

Các sàn thương mại điện tử và siêu ứng dụng trên khắp châu Á chứng kiến doanh số bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Shopee tăng vọt 74,3% lên 6,2 tỷ USD trong quý I/2020. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Shopee tăng vọt 74,3% lên 6,2 tỷ USD trong quý I/2020. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Theo Nikkei Asian Review, dịch Covid-19 bùng nổ buộc chính phủ các quốc gia phải áp dụng lệnh phong tỏa. Người dân hạn chế ra đường, do đó hầu hết cửa hàng bán lẻ truyền thống gặp khó khăn.

Nhiều người dùng, ngay cả những người chưa bao giờ mua sắm trực tuyến, chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử. Nghiên cứu thị trường của Công ty Criteo cho thấy khoảng 50% người tiêu dùng khu vực được hỏi cho biết đã lên kế hoạch mua sắm trực tuyến nhiều hơn vì đại dịch.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ khoảng 17% người được khảo sát nói rằng họ sẽ mua hàng trực tuyến trong tương lai gần.

Tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Shopee tăng vọt 74,3% lên 6,2 tỷ USD trong quý I/2020. Tổng số đơn hàng trên nền tảng này cũng tăng 111,2% lên 429,8 triệu đơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á dựa trên lưu lượng truy cập web đã đưa ra chương trình miễn phí vận chuyển đối với các mặt hàng dùng để nấu ăn, làm việc và giải trí.

Sea Group, công ty mẹ của Shopee, cho biết tập đoàn đang tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh và mua lại. “Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng chuyển đời sống sang trực tuyến một cách sâu rộng. Chúng tôi tin rằng xu hướng này không thể bị đảo ngược”, ông Zhou của Shopee quả quyết.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng nhanh chóng đưa ra các chiến dịch để nắm bắt xu hướng này. Hồi tuần trước, CapitaLand của Singapore, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á, tuyên bố sẽ giới thiệu một nền tảng thương mại điện tử mới có tên eCapitaMall.

Nền tảng này bao gồm các cửa hàng thuê địa điểm bên trong trung tâm thương mại của tập đoàn. “Là nhà điều hành mạng lưới trung tâm thương mại lớn nhất Singapore, chúng tôi muốn giúp các nhà bán lẻ tiếp cận nhiều người tiêu dùng và cơ hội kinh doanh trực tuyến hơn”, Chris Chong, Giám đốc quản lý Bán lẻ tại CapitalLand, tuyên bố.

Lễ hội mua sắm Double Five tại Thượng Hải kéo dài trong vòng 2 tháng. Ảnh: WWD.
Lễ hội mua sắm Double Five tại Thượng Hải kéo dài trong vòng 2 tháng. Ảnh: WWD.
 

Tại Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử đã tham gia vào lễ hội mua sắm Double Five tại Thượng Hải từ ngày 5/5. Sự kiện này thu về 2,2 tỷ USD chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên, theo Ủy ban Thương mại Trung Quốc.

Hàng loạt phiếu giảm giá có tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD đã được phân phát trong chiến dịch này. Sự kiện dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng.

Công ty quản lý đầu tư Mỹ Invesco cho rằng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có thể chiếm thêm 28,2% thị phần trong quý I/2020, tăng từ 23% vào cùng kỳ năm ngoái. “Các nhà bán lẻ điện tử có thể tiếp tục giành được thị phần trong thị trường bán lẻ. Chúng tôi tin rằng họ sẽ tập trung phát triển và tinh chỉnh tương tác với khách hàng hơn”, ông William Yuen, Giám đốc đầu tư Invesco, nhận định.

Cũng gặp khó khăn

Tuy nhiên, các nền tảng thương mại điện tử cũng gặp khó trong việc hoàn thành đơn hàng khi đại dịch phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. “Các công ty phải thay đổi cách giao hàng hóa từ nhà kho đến hành khách cuối cùng”, ông Yeun nói thêm.

Theo ông Arne Jeroschewski, nhà đồng sáng lập Parcel Performance, một số nhà kho đã phải đóng cửa khi các công nhân có triệu chứng nhiễm Covid-19. “Thêm vào đó, không phải ai cũng mua những hàng hóa giống như trước đây. Vì vậy nhiều danh mục hàng hóa bị cạn kiệt. Chuỗi cung ứng cũng không hoạt động với năng suất tối đa để bổ sung các mặt hàng đó nhanh chóng”, ông giải thích.

Theo ông Sachin Kapur, Giám đốc tiếp thị tại Coupang, nền tảng thương mại hàng đầu tại Hàn Quốc, công ty của ông đã phải làm việc chăm chỉ để giữ lời hứa với khách hàng. “Chúng tôi đã đưa ra quy định chi tiết về đội ngũ và hậu cần trên toàn tổ chức để đảm bảo giữ an toàn và vệ sinh cho các nhân viên và giao càng nhiều đơn hàng càng tốt”, ông nói thêm.

Các doanh nghiệp cũng hợp tác với nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn, Công ty thương mại điện tử Bukalapak đã hợp tác với Grab và Gojek nhằm tiếp cận khách hàng.

Gojek cho biết số đơn đặt hàng giao đồ ăn của GoFood vào đầu tháng 5 tăng 10% so với hồi cuối tháng 4. Trong đó, số người bán đồ ăn nhẹ trên nền tảng này cũng tăng 30%. Công ty này cũng hợp tác với Bộ Nông nghiệp Indonesia nhằm giúp nông dân và người bán hàng địa phương chuyển sang bán hàng hóa chủ lực trực tuyến.

Số đơn đặt hàng giao đồ ăn của Gojek tăng mạnh. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Số đơn đặt hàng giao đồ ăn của Gojek tăng mạnh. Ảnh: Nikkei Asian Review.
 

“Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, chúng tôi bán khoảng 1-1,5 tấn gạo. Bây giờ, doanh số tăng 25-50% khi nông dân và người bán hàng địa phương chuyển sang bán online”, nhà cung cấp địa phương Agus Widodo tiết lộ.

Nền tảng thương mại điện tử Sendo của Việt Nam cũng kết hợp với các đối tác quốc tế để mở rộng phạm vi mua sắm của người tiêu dùng. “Chúng tôi đã thảo luận với các thương hiệu đa quốc gia lớn như Unilever hay Procter & Gamble, giúp họ tạo cửa hàng trên Sendo để cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho khách hàng của chúng tôi”, ông Đức Phạm, Phó Giám đốc tiếp của Sendo, chia sẻ.

“Mọi người sẽ làm việc và mua sắm tại nhà. Điều này tạo ra một cơ hội to lớn cho ngành thương mại điện tử mà tất cả doanh nghiệp đều phải nắm lấy”, ông Clement Lee, nhà đồng sáng lập Synagie Corporation, nhận xét.