5 cách tránh bị công nghệ “thâu tóm”

PV.

Chắc hẳn bạn chưa bao giờ tưởng tượng rằng các thiết bị màn hình - như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… - đang cơ cấu lại bộ não đến mức điều chỉnh cả thói quen hằng ngày của bạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thay vì sử dụng bản đồ lát cắt thế giới hay bản đồ cầm tay thông thường, bạn lại đang ngày càng thụ động tuân theo các chỉ dẫn từ một phần mềm định vị GPS bằng giọng nói.

Thay vì nhấc điện thoại lên để hỏi thăm bạn bè hay tản bộ quanh văn phòng để gặp gỡ đồng nghiệp, bạn lại chỉ tương tác qua các dòng tin nhắn hay những hộp thư điện tử .

Thay vì để bản thân được thả hồn suy tư khi đang thảnh thơi ngồi trên xe buýt hay khi xếp hàng chờ  mua đồ ở tiệm tạp hóa, bạn lại chăm chú nhìn vào những dòng thông báo bất tận trên thanh cuộn điện thoại...

Việc xâm nhập của các thiết bị màn hình (lớn và nhỏ) vào cuộc sống thường nhật của chúng ta đã gây ra những hậu quả không ngờ. Do quá phụ thuộc vào các công cụ công nghệ mà trí thông minh logic - toán học và thị giác, không gian sống của chúng ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng công nghệ cũng làm thay đổi và thậm chí khiến não bộ bị co lại 10% đến 20%.

Nghiên cứu cũng cho thấy một thực trạng là hầu hết người dùng điện thoại thông minh nhìn màn hình quá nhiều. Thói quen này dẫn đến những biến chứng lâu dài như ADHD - bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng mất trí nhớ, bởi phần vỏ não trước bị tê liệt do thời lượng tập trung vào màn hình quá lâu.

Những phát hiện trên không phải là tin tốt cho các doanh nhân, những người cần phải trau dồi kỹ năng để trở thành các nhà lãnh đạo sáng tạo, có tư duy sắc bén. Sẽ không ai có thể chịu đựng được hậu quả nếu rơi vào tình trạng nghiện màn hình. Nhưng các doanh nhân nói riêng phải đặc biệt thận trọng khi họ đang bị cuốn đến điểm nguy hiểm của tình trạng đó, bởi vai trò của họ đòi hỏi một trí tuệ hơn người.

Dưới đây là 5 biện pháp phòng tránh hiện tượng trí tuệ bị công nghệ “thâu tóm”.

1. Không xem phim từ một đến hai tiếng trước khi đi ngủ

Hầu hết mọi người đều biết rằng tuyệt đối không nên nhìn những tia sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại hàng giờ trước khi đi ngủ. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự lắng nghe những lời khuyên đó? Lý do là quá ít người có thể hiểu đầy đủ cơ sở sinh lý học của những khuyến cáo ấy.

Trên thực tế, ánh sáng phát ra từ thiết bị công nghệ sẽ di chuyển trực tiếp đến dây thần kinh thị giác, ngay lập tức các tín hiệu được truyền đến tuyến tùng yêu cầu cơ thể chúng ta không cần phải sản sinh melatonin- loại hoocmon giúp con người ngủ ngon.

Khi sử dụng công nghệ ngay trước giờ đi ngủ là chúng ta đã ngầm thông báo với não bộ rằng chúng chưa cần phải ngủ, bởi vậy thời gian tái tạo phục hồi năng lượng sẽ bị rút ngắn lại. Mà, chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống là điều không cần phải nói thêm.

2. Tạo cơ hội tương tác trực tiếp

Trong hầu hết các ngành nghề và mọi mối quan hệ xã hội - gia đình hiện nay, chúng ta hoàn toàn không thể (dù là dùng cách lịch sự nhất) tránh khỏi những trao đổi qua thư điện tử hay các phương tiện truyền thông xã hội. Điều cần làm là, hãy sáng tạo những cách thức nhỏ giúp bạn có thể tương tác trực tiếp với mọi người, đồng thời hạn chế giao tiếp qua màn hình.

Mỗi khi ở nơi công cộng hoặc sân bay, hãy cất điện thoại đi và để bản thân thoải mái giao tiếp với những người lạ xung quanh. Hãy tận dụng mọi cơ hội để  tham gia vào các sự kiện xã hội hay hoạt động cùng các đồng nghiệp, bạn bè. Giao tiếp trực tiếp cũng là nhu cầu cần được thực hiện thường xuyên giống như mọi nhu cầu khác.

3. Sử dụng liệu pháp phản hồi sinh học thần kinh

Neurofeedback là kỹ thuật luyện tập não bộ nhằm tăng cường các sóng não lành mạnh nhất định, đồng thời điều chỉnh các sóng não đang hoạt động quá mức, quá yếu hoặc không ổn định.

Neurofeedback là liệu pháp không xâm lấn sử dụng điện não đồ (EGG) - một chương trình phần mềm trên máy tính kèm theo các cảm biến được gắn liền với da đầu, để xác định số lượng và luyện tập cho não thông qua phản hồi sinh học các sóng điện não.

Nguyên tắc cơ bản của việc học là để rèn luyện não bộ. Bộ não luôn muốn trải nghiệm thách thức, bởi vậy nó cần được khỏe mạnh và ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Bằng việc tăng cường hiệu suất và luyện tập tránh xa tình trạng nghiện màn hình, chắc chắn não bộ chúng ta sẽ cải thiện tối ưu sức khỏe và hạn chế bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ khác nhau.

4. Tìm các lựa chọn thay thế cho màn hình

Thông thường, việc tìm kiếm những phương pháp thay thế này cũng đơn giản như chính việc kích thích niềm đam mê khám phá chúng. Cầm một tờ báo trên tay thay vì lướt qua các tiêu đề danh sách ứng dụng. Hãy đánh giá hương thơm và khổ rộng của tờ báo.

Mang theo một cây bút và một quyển sổ nhỏ để cảm nhận cảm giác căng tràn trí tuệ với những chữ viết tay - nó thực khác so với việc ngồi gõ gõ trên ứng dụng ghi chép của điện thoại.

Hãy đặt một cuốn lịch trên bàn và khoan khoái tận hưởng khi có sự hiện diện của một vật thể nắm giữ tất cả thông tin lịch trình làm việc của bạn. Dĩ nhiên, bạn vẫn sẽ sử dụng điện thoại và máy tính để thực hiện rất nhiều công việc khác trong cuộc sống của mình, nhưng khi bổ sung các việc làm giản đơn này, thị giác được kích thích sẽ khiến não bộ dễ chịu hơn.

5. Cân bằng thời gian sử dụng màn hình

Nếu tính chất công việc khiến thời gian sử dụng màn hình thống trị cả khoảng thời gian thức dậy, hãy nhớ rằng không chỉ riêng bạn như vậy, vì thế bạn không nhất thiết phải lo lắng. Lời khuyên cho bạn là, hãy chủ động cân bằng thời gian mà bạn bị màn hình kiểm soát, bằng cách thư giãn giữa những giờ làm việc dài ở công ty.

Hãy dạo bộ quanh tòa nhà, nói chuyện với người bạn cùng ăn trưa, ngồi trên ghế đá công viên. Những hoạt động nho nhỏ sẽ giúp bạn tách khỏi công nghệ, nhờ đó tâm trí và đôi mắt cũng sẽ được nghỉ ngơi.

Dù rằng chúng ta không thể hiểu hết tác động của những công nghệ mới đối với não bộ và cuộc sống, nhưng chúng ta cần phải đảm bảo cho bản thân không quá đắm chìm vào màn hình công nghệ.

Đối với một số người, họ đang cần sự tư vấn để tránh khỏi những tác hại từ màn hình đem lại. Nhưng với những người khác,  vẫn chưa là quá muộn để vực lại sự chủ động và tìm cho mình khoảng thời gian vui chơi lành mạnh mà không có sự hiện diện của màn hình công nghệ phía sau.