7 mẹo để tiết kiệm tiền cho một kỳ nghỉ hoành tráng

(Tài chính) Trong một năm, chúng ta có khá nhiều kỳ nghỉ dài ngày: 30/4 - 1/5, Quốc khánh 2/9, Tết,... Làm thế nào để có thể tiết kiệm tiền để đi chơi, đi du lịch trong những kỳ nghỉ lớn? Hãy xem các mẹo sau đây nhé.

7 mẹo để tiết kiệm tiền cho một kỳ nghỉ hoành tráng
Đầu tiên, bạn phải tính toán chi phí cho kỳ nghỉ để có một con số làm mục tiêu. Nguồn: internet
Tìm hiểu, tính toán các chi phí cần thiết

Trước tiên, bạn cần phải có một con số cụ thể, là cái đích để bạn nhắm tới. Bạn phải tìm hiểu, tính toán các chi phí cần thiết để áng chừng được khoản tiền bạn cần tiết kiệm: tiền đi lại, tiền ăn ở, chi phí mua sắm, giải trí,... 

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, có rất nhiều người viết lại phản hồi, nhận xét, nhật ký hành trình sau các chuyến đi. Để cẩn thận, bạn nên xem nhiều bài viết để nắm bắt thông tin một cách khách quan. Riêng đối với giá tàu xe, giá khách sạn, nhà nghỉ, bạn nên gọi điện đến tận nơi để có được thông tin chính xác nhất.

Đặt mục tiêu tiết kiệm

Sau khi có một con số cụ thể, bạn phải lập kế hoạch, cách thức để tiết kiệm được số tiền đó. Cách khoa học nhất là chia thu nhập thành nhiều phần. Chuyên gia tài chính Alexa von Tobel gợi ý tỉ lệ: tiết kiệm 20% thu nhập, 30% dùng để giải trí, 50% cho các chi phí trang trải cuộc sống. 

Tuy nhiên, đó là tỉ lệ dành cho ngày thường, còn khi đã có mục tiêu tiết kiệm cho kỳ nghỉ lớn, bạn có thể tăng tốc bằng cách giảm số tiền cho các hoạt động giải trí, tăng cường tỉ lệ thu nhập dành cho tiết kiệm. Hãy nghĩ đến những hoạt động vui chơi, giải trí ít tốn kém hơn, chẳng hạn thay vì ra ngoài ăn, bạn có thể rủ bạn bè đến nhà, tổ chức ăn uống.

Thay vì đi hát karaoke, các bạn có thể tập trung xem phim tại nhà. Bạn vẫn có thể thư giãn cùng bạn bè mà lại tiết kiệm được một khoản kha khá dành cho chuyến nghỉ dưỡng.

Xem lại cách chi tiêu

Để biết được mình nên tiết kiệm từ đâu, cắt giảm những khoản nào, bạn nên xem lại cách chi tiêu của mình. Hãy ngồi xuống, cố gắng nhớ lại các khoản chi phí bạn thường xuyên bỏ ra, viết chúng ra giấy. Kể cả những khoản nhỏ như: mua cà phê buổi sáng, ăn vặt trên đường về, tiền gửi xe,... bạn cũng đừng bỏ qua.

Sau khi viết ra hết mọi chi phí, hãy cân nhắc xem khoản nào là khoản cần thiết, bắt buộc phải chi, khoản nào bạn chi tiêu chỉ vì thích, khoản nào có thể cắt giảm được bằng cách thay thế những mặt hàng/dịch vụ rẻ hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền có thể tiết kiệm được sau khi thay đổi cách chi tiêu của mình đấy.

Không nhìn thấy - Không chạm đến - Không tiêu

Nhiều người cứ có tiền trong túi là tiêu, bởi không thể kìm lòng trước một món ăn ngon, hay bộ váy đẹp. Phương pháp dành cho những người có tật "không giữ mình được" này chính là: "Không nhìn thấy - Không chạm đến - Không tiêu".

Hiện tại, các ngân hàng có dịch vụ tài khoản tiết kiệm rất thông minh, tiện dụng. Hàng tháng, ngân hàng sẽ tự động trích một khoản tiền từ thu nhập (được trả qua thẻ) của bạn vào tài khoản tiết kiệm. Bạn có thể kiểm tra số dư của tài khoản này, tuy nhiên lại không thể rút ra. Điều này sẽ giúp bạn "cách ly" với khoản tiền bạn dự định tiết kiệm và tránh được tình trạng chi tiêu vô tội vạ.

Kiếm thêm tiền

Nếu bạn ước tính số tiền tiết kiệm được khó mà đủ trang trải cho kỳ nghỉ, hãy đi làm thêm. Bây giờ, có rất nhiều công việc thoải mái về thời gian bạn có thể làm ở nhà, hoặc vào cuối tuần: viết lách, trông trẻ, bán hàng online,... Bạn vừa có thể kiếm thêm tiền, vừa lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, tránh cho bản thân không kìm được lại tiêu pha.

Đặt thời hạn

Cũng giống như khi bạn làm việc, việc đặt deadline để tiết kiệm sẽ giúp bạn có động lực hoàn thành nó tốt hơn. Deadline thứ nhất chính là ngày bạn đi nghỉ, với mục tiêu lớn lao là tổng số tiền cần thiết cho kỳ nghỉ.

Ngoài ra, bạn có thể chia thời gian đó thành những quãng nhỏ hơn, đặt các mục tiêu tiết kiệm nhỏ hơn, sau đó, cộng tổng tất cả số tiền tiết kiệm nhỏ đó, bạn sẽ có một khoản lớn để đi nghỉ dưỡng.

Cân nhắc khi tiêu tiền

Rất nhiều người bị "viêm màng túi" bởi thường xuyên bỏ tiền vào những thứ lặt vặt với suy nghĩ kiểu: "Dào ôi, có một trăm ngàn bọ". Nếu cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ tiết kiệm được một khoản lớn. Hãy nhớ lời dạy của các cụ: "Tích tiểu thành đại".

Một mẹo bổ ích dành cho những người có thói quen chi tiêu không tốt này: Khi định bỏ tiền mua bất cứ hàng hóa/dịch vụ nào, hãy nghĩ đến những thứ khác bạn có thể mua được với cùng số tiền đó. Chẳng hạn như khi mua một chiếc váy 300 ngàn, bạn hãy nghĩ "300 ngàn là đặt được phòng khách sạn 1 ngày, 1 đêm rồi".

Hoặc khi định đi uống cà phê ở một nơi "sang chảnh" với giá 70 ngàn/cốc, hãy nghĩ "Giá vé tàu từ Hà Nội về Hải Phòng cũng có giá như vậy".

Chính từ những cân nhắc như vậy, bạn sẽ tập trung được vào mục tiêu chính, lâu dài: tiết kiệm cho kỳ nghỉ.