Các hãng hàng không định giá vé máy bay như thế nào?

Theo nguoitieudung.com.vn

Nếu bạn thường xuyên săn vé giá rẻ, không khó để nhận ra rằng giá vé có chu kì xen kẽ một tuần thấp một tuần cao hay bay đường dài rẻ hơn bay chặng ngắn... Vậy các hãng dựa vào đâu để định giá máy bay?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự tiến hóa của công nghệ định giá

Trong lịch sử ngành hàng không, các hãng hoạt động trong một môi trường cạnh tranh và được quy định chặt chẽ. Đó là nơi tiền và giá vé không phải tất cả, an toàn của khách hàng mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Giá vé máy bay được rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan quy định. Ví dụ như khi bay đường dài, giá sẽ bao gồm chi phí ăn ở qua đêm mà hãng phải trả cho quốc gia sở tại.  Tuy nhiên, khách hàng ngày càng thông thái trong các quyết định mua hàng khiến hãng phải dựa vào khả năng chi trả, nhu cầu và sở thích cá nhân của họ để định giá.

Cạnh tranh khốc liệt

Thị trường hàng không Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần khốc liệt giữa các hãng. Điều này buộc các hãng phải nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ và giá cả để khẳng định thương hiệu và cạnh tranh thị phần vận tải. Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, hãng nào có mức giá rẻ, dịch vụ tốt hơn, tỷ lệ chậm hủy chuyến thấp,... sẽ ngày càng ghi điểm.

Theo các chuyên gia hàng không, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả để đưa ra mức giá hợp lý và dịch vụ tốt nhất. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam năm 2015 cho biết: Tại thị trường trong nước, Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) chỉ còn nắm giữ 47% thị phần, các hàng hàng không giá rẻ như Vietjet Air vươn lên nắm khoảng 36%, Jetstar Pacific Airlines chiếm gần 15%. Như vậy, riêng thị phần hàng không giá rẻ nội địa đã chiếm tới trên 51%. Dự báo, hàng không giá rẻ sẽ tiếp tục tăng thị phần nhờ cạnh tranh về giá. 

Những yếu tố quyết định giá vé

Thời điểm đặt vé càng sớm bạn càng có giá rẻ và ngược lại, đạt sát ngày đi, bạn chịu giá cao nhất. Các hãng sẽ nhìn vào phản ứng của thị trường để điều chỉnh giá.

Nhu cầu khách hàng khiến ghế máy bay được chia làm 4 loại hạng, với giá tiền tăng dần: hạng phổ thông, hạng phổ thông đặc biệt, hạng thương gia và hạng nhất. Với mỗi hạng ghế khác nhau sẽ tương ứng với chất lượng phục vụ khác nhau, chúng tỷ lệ thuận với giá vé máy bay của mỗi loại ghế. Và ngay trong chính cùng một hạng ghế/hạng phục vụ cũng có thể có những sự khác biệt về chất lượng kèm theo đó là những điều kiện và mức giá cũng khác nhau.

Phí tính thêm đã bao gồm trong tiền vé gồm có: thuế Giá trị gia tăng (VAT), phí quản trị, phí sân bay, phí an ninh soi chiếu, phụ thu dịch vụ xuất vé/ phí thanh toán. Trong đó, thuế VAT thay đổi theo giá vé (10% giá vé). Quyết định thu khoản nào và bớt đi khoản nào phụ thuộc vào từng hãng.

Thương hiệu cũng góp phần làm nên giá của mỗi chiếc vé. Một số công ty như Bidflyer, Plusgrade and SeatFrog không định giá mà đưa ra các ứng dụng đấu giá vé máy bay để biết khách hàng sẵn sàng trả bao nhiêu cho dịch vụ của họ.

Dịch vụ như đóng gói hành lý, gửi thêm hành lý, phục vụ ăn uống được một số hãng đính kèm vào giá vé.

Chi phí nhiên liệu cũng là bài toán cần giải của các doanh nghiệp hàng không. Chi phí xăng thường chiếm từ 30% đến 60% tổng chi phí hoạt động của các hãng. Vì thế, càng chủ động được nguồn xăng giá rẻ bao nhiêu, các hãng càng có thêm cơ hội giảm giá vé để cạnh tranh.

Chiến lược giảm giá giúp khách hàng có thể tiết kiệm tiền nếu săn được vé giá rẻ. 5 năm trở lại đây, giá vé của tất cả các hãng bay nội địa trong nhiều thời điểm giảm dưới mức 7 con số. Bí mật sau những chiếc vé giá rẻ này là không suất ăn miễn phí, không phương tiện giải trí, thậm chí không có cả một cuốn tạp chí…